(HNMO) - Sáng 24-5, Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh họp báo định kỳ quý II - 2017 để cung cấp thông tin tiến độ thực hiện dự án và triển khai các gói thầu tuyến đường sắt đô thị thành phố (gọi tắt là Metro) như: Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương)...
Mô phỏng quá trình khoan đào bằng máy TBM đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP Hồ Chí Minh. |
Theo báo cáo, hiện tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các gói thầu đều đạt tiến độ đề ra. Cụ thể, gói thầu 1a (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố), khối lượng thực hiện tổng thể đạt khoảng 5%; gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son), đạt 45%; gói thầu 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương), đạt khoảng 67%; gói thầu 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), đạt khoảng 12% khối lượng công việc hợp đồng; gói thầu 4 (hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng), dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật cuối năm 2017.
Trong đó, đối với phần hầm khoan đào máy TBM xuất phát từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố gồm 2 ống hầm đơn có chiều dài 781m sẽ khởi công ngày 26-5 này. Cụ thể, khoan tuyến hầm phía Đông từ ga Ba Son, dự kiến đến ga Nhà hát thành phố vào tháng 12-2017. Sau đó, tháo dỡ và vận chuyển về lại ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía Tây, dự kiến đến ga Nhà hát thành phố tháng 6-2018.
Về vấn đề bảo đảm an toàn cho các công trình nhà dân, Nhà hát thành phố… khi thực hiện phần hầm khoan đào máy TBM xuất phát từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc dự án tuyến Metro số 1 cho hay, hầm TBM đào sẽ đi ống trên, ống dưới đường Nguyễn Siêu để bảo vệ an toàn Nhà hát thành phố và bảo vệ các công trình khu vực xung quanh. Đồng thời, khi thi công sẽ lắp đặt các điểm quan trắc về sụt lún, công tác khoan đào sẽ đi giữa lòng đường, không đi dưới nhà dân. Nếu trong quá trình thi công xảy ra sự cố nứt hay sụt lún nhà dân, công trình xung quanh thì đơn vị bảo hiểm sẽ đánh giá và bồi thường thiệt hại gây ra.
Về vốn cho tuyến Metro số 1, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh thông tin, vốn thực hiện dự án gồm: Vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của thành phố, trong đó, vốn đối ứng luôn sẵn sàng. Còn về vốn vay ODA thực hiện theo ngân sách trung hạn và dài hạn, không thực hiện phân bổ theo tiến độ dự án như trước đây, do đó, việc phân bổ vốn cần có kế hoạch.
Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu báo cáo phân bổ vốn hàng năm và trung hạn. Trong đó, về vốn của năm 2017, tháng 4 vừa qua, Chính phủ mới phân bổ vốn cho TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, chỉ được hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn ODA là hơn 5.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Quang, nếu nguồn vốn ODA từ Trung ương không phân bổ kịp thì tiến độ thi công tuyến Metro số 1 đứng trước nguy cơ bị chậm so với kế hoạch đề ra. Khi đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là uy tín của các nhà thầu Nhật Bản đang thi công trên tuyến Metro số 1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.