Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày 1-1-2023 đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Tuấn Lương| 28/12/2022 19:11

(HNMO) - Chiều nay (28-12), tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin tại họp báo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, vào ngày 31-12-2022, đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ được thông xe đưa vào khai thác.

Ba đoạn còn lại (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết), với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của nhà thầu, tư vấn giám sát, các ban quản lý dự án, đến ngày 31-12-2022 cũng sẽ cơ bản đáp ứng điều kiện thông xe kỹ thuật, tiến tới hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vào ngày 30-4-2023.

Đặc biệt, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (ngày 11-1-2022) đến nay, trong vòng chưa đầy 1 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện các thủ tục, bảo đảm đủ điều kiện khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 vào ngày 1-1-2023. Lễ khởi công sẽ được triển khai đồng loạt với 12 điểm cầu tại nhiều địa phương nơi dự án đi qua. Cách thức tổ chức này cũng là chủ trương mới thực hiện đúng phương châm đổi mới tư duy, cách làm nhằm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian sớm nhất theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Một trong những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm là khâu lựa chọn nhà thầu cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Về vấn đề này, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định pháp luật. Quy trình lựa chọn nhà thầu cũng theo đúng các bước, đúng trình tự, bảo đảm công khai, minh bạch.

“Bộ Giao thông Vận tải hiểu rằng, việc lựa chọn nhà thầu quyết định sự thành công của dự án. Ngay từ khi lập quy trình chỉ định thầu, Bộ đều thực hiện đúng quy định của Chính phủ về chỉ định thầu. Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm chính trong việc thẩm định việc phê duyệt các bước, các khâu trong công tác chỉ định thầu. Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng giám sát, theo dõi để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nếu có. Không có nhà thầu nào bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng được vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025”, ông Lê Quyết Tiến thông tin.

Liên quan đến vấn đề khó khăn về nguồn vật liệu, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, thời gian đầu triển khai cơ bản sử dụng các mỏ đang được khai thác thương mại. Tuy nhiên, khi các dự án thành phần đồng loạt triển khai, nhu cầu vật liệu tăng cao, khả năng cung ứng của các mỏ không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung, khiến dự án gặp khó khăn.

Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang được nhà thầu tập trung hoàn thiện.

Để đáp ứng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép nhà thầu được tiếp cận, khai thác các mỏ.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, nghị quyết của Chính phủ cho phép giao trực tiếp mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu phục vụ dự án cho các nhà thầu.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp phép cũng được rút ngắn. Nếu ở dự án giai đoạn 1, trình tự thủ tục thực hiện theo Luật Khoáng sản với 13 bước thì tại dự án giai đoạn 2, các bước này đã được bỏ qua, nhà thầu chỉ cần đăng ký công suất, phương án khai thác…

Quá trình lập dự án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án làm việc trực tiếp với địa phương nắm bắt được các mỏ đã có hoặc chưa có trong quy hoạch và bảo đảm các mỏ địa phương giao cho nhà thầu triển khai là tối ưu nhất và gần nhất khu vực thi công dự án.

Mỏ vật liệu được nghiên cứu hiện lớn hơn nhu cầu của các dự án thành phần. Nguồn đất đắp được bảo đảm cung cấp vật liệu cho các dự án.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã giao ban quản lý dự án triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Sau khi quan trắc đánh giá, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác. Căn cứ tình hình thực tế, nếu thuận lợi, cuối năm 2023, cơ quan chuyên môn mới đánh giá được kết quả nghiên cứu cát biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày 1-1-2023 đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.