Dù nhân sự và trang thiết bị, vật tư y tế thiếu hụt, nhưng ngành Y tế tỉnh Bình Dương vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.
Nhân sự thiếu hụt, mua sắm thiết bị còn chậm
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, toàn ngành hiện có 11.091 nhân viên y tế, với tỷ lệ nhân viên y tế/vạn dân là 38,7, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 8,39. Hiện số giường kế hoạch đạt 5.202 giường (số giường kế hoạch/vạn dân là 18,2 giường). Các tỷ lệ và chỉ tiêu này đều thấp so với mục tiêu của Bộ Y tế đề ra là 9 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân.
Về nguyên nhân thiếu hụt nhân sự, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc tại các đơn vị công lập chưa có xu hướng giảm, chủ yếu do chế độ đãi ngộ, lương chưa tương xứng, trong khi áp lực công việc nhiều. Chưa kể, mỗi năm, dân số tỉnh tăng hơn 100.000 dân, tương đương cần hơn 650 nhân viên y tế và 135 bác sĩ để đáp ứng nhu cầu KCB.
Về trang thiết bị y tế, tiến độ triển khai thực hiện các gói thầu chậm so với yêu cầu, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ xảy ra tại nhiều cơ sở y tế. Nguyên nhân, một số bộ phận được giao nhiệm vụ mua sắm tại các đơn vị y tế còn e ngại khi tiến hành các gói mua sắm trong bối cảnh văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể và kịp thời.
Ở góc độ y tế cơ sở, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thuận An cho hay, trực thuộc Trung tâm có 6 phòng khám đa khoa khu vực và 10 trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, thực trạng cơ sở vật chất KCB còn hạn chế, xuống cấp, chưa đáp ứng được quy mô, nhu cầu phát triển chuyên môn và nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân. Trong khi đó, nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã quá tải, kiến thức kinh nghiệm phục vụ công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế rất hạn chế, dẫn đến việc triển khai mua sắm triển khai chậm.
Hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB cũng là cảm nhận của người dân khi đến khám tại các cơ sở y tế của tỉnh. “Trung tâm có nhiều chuyển biến về phong cách phục vụ đối với người bệnh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần được đầu tư cải thiện trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Bình (67 tuổi, ngụ phường An Phú, thành phố Thuận An) chia sẻ khi vừa khám bệnh xong.
Đãi ngộ xứng đáng để thu hút người tài
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, mục tiêu của Đề án phát triển tổng thể ngành Y tế tỉnh đến năm 2030 là phát triển tối thiểu 5.000 giường bệnh; xây mới bệnh viện tuyến cuối quy mô 2.000 giường; đào tạo và tuyển dụng mới 2.500 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên. Phấn đấu đến năm 2030, ngành Y tế tỉnh đạt chỉ tiêu 29 giường bệnh/vạn dân, 11 bác sĩ/vạn dân, 33 điều dưỡng/vạn dân; tỷ lệ người dân hài lòng đạt trên 95%...
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2026, trung bình hằng năm sẽ tuyển dụng được thêm khoảng 80 bác sĩ và bác sĩ sau đại học, thu hút 100 nhân viên y tế. Đến năm 2026 sẽ tuyển dụng và thu hút được thêm khoảng 400 bác sĩ và bác sĩ sau đại học.
Dù còn nhiều hạn chế về vật tư, trang thiết bị, nhưng theo bác sĩ Trần Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát, Trung tâm hiện có quy mô 100 giường; ngoài ra còn có sự bổ trợ của hệ thống trạm y tế, phòng khám đa khoa, hệ thống y tế tư nhân… Nhân lực ngành Y tế thị xã có 955 nhân viên y tế. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đạt 50,99%; tỷ lệ 7,21 bác sĩ/vạn dân; 0,9 dược sĩ/vạn dân. Điều này đáp ứng phần nào công tác chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Để giải quyết khó khăn tại Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương kiến nghị ngành Y tế tỉnh cần quan tâm đến các giải pháp thu hút nguồn nhân lực y bác sĩ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; xây dựng bệnh viện đạt chuẩn… Đặc biệt, quan tâm đến chế độ đãi ngộ, thu nhập đối với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
Về hướng đi của ngành Y tế Bình Dương, trao đổi với Báo Hànộimới, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho hay, Sở tiếp tục tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND về các giải pháp. Cụ thể, về ngắn hạn, tiếp tục chính sách hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo cho sinh viên trường y là người tỉnh Bình Dương với ràng buộc trở về công tác tại tỉnh; tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo y, bác sĩ liên kết với các trường đại học; có chế độ đãi ngộ hợp lý trong khi học và sau khi trở về công tác.
Về trung và dài hạn, tỉnh tự đào tạo nhân lực bằng cách xây dựng mới trường đại học y dược tại tỉnh nhằm chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao và sau đại học; thu hút nhiều bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm đến làm việc và công tác lâu dài tại tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực y tế chất lượng cao; chính sách đãi ngộ đặc biệt cho những tài năng xuất sắc, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành...
Song song đó, tỉnh khuyến khích xây dựng mô hình điểm xã hội hóa về tuyến y tế xã, phường, thị trấn; mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; phát triển hệ thống bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ngoài công lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.