(HNMO) - Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành Xuất bản đạt gần 4.000 tỷ đồng và là năm đầu tiên đạt mục tiêu 6 bản sách/người/năm.
Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 17-2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, có 38.029 xuất bản phẩm nộp lưu chiểu, tăng 15,42% so với năm 2021, với gần 6 triệu bản sách, tăng 49,5% so với năm 2021. Xuất bản phẩm dạng điện tử tăng nhiều nhất, đạt 3.350 xuất bản phẩm, tăng 45,6% so với năm 2021. Tính đến năm 2022, có 19/57 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử.
Tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước năm 2022 đều tăng. Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021), trong đó, 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị xử lý giảm 16,7% so với năm 2021.
Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên ngành Xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm. Nội dung, chất lượng xuất bản phẩm được nâng lên một bước.
Về phát hành xuất bản phẩm, trong năm 2022, toàn ngành phát hành trên 519 triệu xuất bản phẩm (tăng 33%); doanh thu đạt khoảng 4.500 tỷ đồng (tăng 28,7% so với năm 2021). Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300.000 bản (tăng 12,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 16,1 triệu bản (tương đương với năm 2021). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm đạt 17,5 triệu USD (tăng 10%), trong đó, kim ngạch xuất khẩu 1,5 triệu USD (tăng 15,4%); kim ngạch nhập khẩu đạt 16 triệu USD (tăng 16,8%).
Đánh giá hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm ghi nhận những kết quả toàn ngành đạt được dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nội dung số và ứng dụng công nghệ để tiếp cận với đối tượng độc giả trẻ. Vì vậy, trong năm 2023, toàn ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong các nhà xuất bản; tìm giải pháp tăng doanh thu, lợi nhuận cho các nhà xuất bản; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, năm 2023, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý, đặc biệt là Luật Xuất bản, nhằm tạo điều kiện phát triển xuất bản điện tử. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, các thể loại sách chính trị, lịch sử, chủ quyền biển, đảo... Các nhà xuất bản tập trung phát triển chuyên ngành, chuyên sâu, phát huy được sức mạnh của từng đơn vị, đổi mới tư duy…
Hội nghị cũng nghe tham luận của các đơn vị xuất bản, phát hành về những vấn đề hiện nay để cùng tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát triển ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.