(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82%. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 3-3,2% cả năm 2021, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đang tiếp tục chủ động triển khai nhiều giải pháp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Trong bức tranh tăng trưởng của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020... Cùng với đó, hiện cả nước đã có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1.644 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản (tăng 32 chuỗi so với cùng kỳ năm 2020). Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Việc ứng dụng công nghệ cao và phát triển chuỗi liên kết không chỉ thúc đẩy sản xuất hàng hóa an toàn mà còn bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là phục vụ cho xuất khẩu.
Một thông tin đáng mừng nữa là trong 6 tháng qua, tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020, đã góp phần ổn định thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, giá thịt lợn đã giảm hơn 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm quyền lợi giữa người sản xuất và người tiêu dùng... Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho rằng, đạt được kết quả tích cực này là do các địa phương đã có nhiều biện pháp chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhờ vậy đàn gia súc, gia cầm được phục hồi theo hướng ổn định. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường thông tin, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay đạt 20,5 triệu tấn, tăng 673 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng xu hướng, trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng của nông nghiệp Thủ đô là 3,09%. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, đàn lợn hiện có gần 1,4 triệu con, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước... bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng. Hà Nội cũng đã hình thành được 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ và 141 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp và người nông dân.
Chủ động sản xuất và tiêu thụ
Những kết quả khả quan ngành Nông nghiệp đạt được trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt nhận định, việc cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa đồng đều; phương thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến với doanh nghiệp và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp. Mặt khác, công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong giai đoạn dịch Covid-19 còn chậm...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3-3,2% và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 45 tỷ USD trong năm 2021, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới, mở rộng các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Cùng với đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản chính (nhãn, cam, thanh long…) khi vào vụ thu hoạch, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất.
Về nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu, các địa phương, đơn vị từ nay đến cuối năm cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để sớm đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần thúc đẩy các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, công nghệ sinh học… để sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
Với nông nghiệp Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2021, nông nghiệp Thủ đô có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 4,2%. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phấn đấu gieo cấy hết diện tích lúa trong vụ mùa; mở rộng diện tích sản xuất rau màu... Đồng thời, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp; phát triển các chuỗi và tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm...
Ở góc độ doanh nghiệp, theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ, các doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt phương án sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường để không rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung. "Chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các hộ nông dân, mở rộng quy mô sản xuất nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu", bà Dương Thị Thu Huệ cho hay.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp cần linh hoạt thực hiện các giải pháp, chủ động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.