Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành hàng không thế giới phục hồi chậm: Cần giải pháp “tăng lực” đồng bộ

Hoàng Linh| 01/11/2022 06:23

(HNM) - Mặc dù đại dịch Covid-19 đã lắng dịu, mở đường cho ngày càng nhiều nước nới lỏng các quy định phòng dịch, song giới chuyên môn còn lo ngại, ngành hàng không thế giới vẫn chưa thể phục hồi về mức trước dịch - năm 2019, thậm chí sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ mới. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp "tăng lực" đồng bộ để dần thoát khỏi những mối lo đang hiện hữu.

Ngành hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang phục hồi chậm.

Đại dịch Covid-19 đã làm điêu đứng ngành hàng không trên thế giới. Nhiều hãng bay và sân bay chịu áp lực lớn về tài chính kể từ năm 2020. Theo lãnh đạo sân bay lớn nhất của Anh là Heathrow (London), nhu cầu đi lại tại đây sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa (ít nhất là tới năm 2025) mới có thể quay lại mức trước dịch do triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, xung đột Nga - Ukraine và hệ lụy của dịch bệnh. Tháng trước, Schiphol (Hà Lan), một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu, cho biết sẽ hạn chế lượng hành khách hằng ngày tại đây thấp hơn trung bình khoảng 20% ít nhất đến tháng 3-2023 để bảo đảm an toàn cho hành khách và nhân viên. Điều này buộc Hãng hàng không quốc gia Hà Lan (KLM) phải hạn chế lượng vé bán cho mùa đông tới.

Tình hình ảm đạm của ngành hàng không cũng có thể thấy rõ qua các số liệu. Cụ thể, trong quý I và quý II-2022, lượt khách đi máy bay toàn cầu lần lượt 1,3 tỷ và 1,7 tỷ, tương đương 62% và 75,2% các mức cùng kỳ năm 2019. Sự phục hồi chủ yếu là do nhu cầu đi lại bằng đường không tăng đột ngột trong mùa hè ở Bắc bán cầu năm 2022, sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Trong đó, hàng không khu vực Mỹ Latinh và Caribbean đã phục hồi nhanh nhất trong nửa đầu năm 2022. Khu vực Bắc Mỹ có mức phục hồi mạnh thứ hai trên thế giới nhưng cũng đã chậm lại so với xu hướng phục hồi nhanh chóng của năm 2021. Về phần mình, hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cải thiện mờ nhạt nhất trong nửa đầu năm 2022, bởi Trung Quốc - nguồn cung khách du lịch lớn nhất thế giới - vẫn đang siết chặt quy định phòng dịch, trong khi các nước mạnh về thu hút du lịch - như Nhật Bản - chỉ mới mở cửa lại biên giới gần đây.

Nhìn về tương lai, giới chuyên môn dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi du lịch nội địa (dự kiến sẽ phục hồi về mức năm 2019 vào năm 2023). Lượng hành khách toàn cầu năm 2022 được dự báo sẽ đạt khoảng 6,8 tỷ, giảm 33,1% so với năm 2019. Trong khi đó, du lịch quốc tế được dự báo sẽ chỉ dần phục hồi từ năm 2024. Theo Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), việc dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng dịch ở châu Âu cũng như châu Mỹ đã mang lại sự lạc quan cho ngành hàng không. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc ACI Luis Felipe de Oliveira cũng nhấn mạnh tới sự phục hồi không đồng đều giữa các thị trường, đặc biệt ở những nơi vẫn còn hạn chế đi lại nghiêm ngặt và việc tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 bị hạn chế.

Một số ý kiến cũng lo ngại, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt thách thức mới mà trong đó có cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát và giá nhiên liệu tăng... vẫn sẽ đe dọa ngành hàng không, làm nảy sinh nguy cơ gián đoạn tốc độ phục hồi. Cùng với đó, không thể không nhắc tới sự thiếu hụt nhân lực sau thời gian dài tần suất bay giảm mạnh vì dịch Covid-19.

Rõ ràng, ngành hàng không toàn cầu đang trong giai đoạn phục hồi rất nhạy cảm hậu đại dịch Covid-19. Quá trình này diễn ra không đồng đều, chậm, còn phụ thuộc vào nhiều biến số. Vì thế, giờ là lúc cần có những giải pháp “tăng lực”, có sự phối hợp của các nước trên toàn cầu, để có thể sớm đưa lĩnh vực giao thông vận tải quan trọng này trở lại trạng thái ổn định, góp phần thúc đẩy các tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành hàng không thế giới phục hồi chậm: Cần giải pháp “tăng lực” đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.