Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành hàng không thế giới: Đối phó với khủng hoảng lao động

Thùy Dương| 20/06/2022 07:39

(HNM) - Việc các quốc gia mở cửa trở lại biên giới và nhiều biện pháp hạn chế dịch Covid-19 bị thu hẹp đã tạo ra cuộc khủng hoảng lao động chưa từng có ở các hãng hàng không, các công ty liên quan đến hàng không. Tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến bay gia tăng vì thiếu nhân viên cho thấy ngành hàng không đã mất rất nhiều nhân lực trong hai năm qua và cần có thời gian để phục hồi.

Hành khách xếp hàng dài để vào cửa an ninh tại sân bay Heathrow (Anh).

Delta (Mỹ), Lufthansa (Đức), British Airways (Anh)… là những cái tên nằm trong danh sách dài những hãng hàng không có các chuyến bay đã được kiểm duyệt lên tới hàng trăm chuyến. Kết quả là hành khách phải xếp hàng dài tại các sân bay, với những lý do như thất lạc hành lý, phải xếp hàng lâu để kiểm tra an ninh...

Tại sân bay Schiphol (Hà Lan), hành khách thường phải đợi hàng giờ đồng hồ mới được lên máy bay. Hãng hàng không EasyJet của Anh gần đây đã buộc phải bớt một số ghế và giới hạn số lượng hành khách trên một chuyến bay xuống còn 150. Theo quy định, cứ 50 hành khách phải có một tiếp viên hàng không phục vụ và với cách hạn chế số ghế và hành khách nói trên, hãng hàng không sẽ giảm được số lượng tiếp viên từ 4 xuống còn 3 người.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, nhưng việc thiếu lao động được coi là nguyên nhân chủ yếu. Hãng hàng không Lufthansa đã loại bỏ khoảng 900 chuyến bay ngắn nội địa và châu Âu trong tháng 7, còn JetBlue Airways (Mỹ) cắt giảm 10% các chuyến bay trong mùa thu. JetBlue Airways cũng quyết định đưa ra khoản tiền thưởng đặc biệt 1.000 USD cho những tiếp viên hàng không hoàn thành tất cả các lịch trình làm việc.

Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự và phi công tồi tệ nhất khi khoảng 400.000 nhân viên hàng không đã bị sa thải tạm thời hoặc mất việc làm trong hai năm qua do dịch Covid-19. Khoảng trống nhân sự khiến các hãng hàng không phải tranh giành để thuê phi công và nhân viên đã qua đào tạo; nhiều hãng thậm chí phải cắt chuyến bay dù hành khách đã sẵn sàng lên máy bay.

Đại diện của Lufthansa cho biết: “Toàn bộ ngành hàng không, đặc biệt là ở châu Âu, đang thiếu nhân viên”. Trong khi đó, Hiệp hội Các sân bay quốc tế (ACI) dự báo: “Các vấn đề về sự chậm trễ và gián đoạn hoạt động sẽ tiếp diễn tại 75% các sân bay ở châu Âu do thiếu hụt nhân lực”. ACI thậm chí còn cảnh báo mùa hè sẽ căng thẳng hơn khi nhu cầu đi lại gia tăng.

Làn sóng Covid-19 trong năm 2020 đã buộc các hãng hàng không phải sa thải hàng trăm nghìn lao động, từ phi công, tiếp viên đến nhân viên xử lý mặt đất. Bị mất việc làm, nhiều nhân viên trong ngành hàng không đã chuyển sang các ngành nghề khác, ít biến động hơn và việc kéo họ trở lại làm việc đang trở nên khó khăn. Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Oxford Economics, hiện có ít hơn 2,3 triệu việc làm trong ngành hàng không so với mức trước khi đại dịch.

Geoff Culbert, Giám đốc điều hành của sân bay Sydney (Australia), nơi gần một nửa lực lượng lao động gồm 33.000 người mất việc làm trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 cho biết: “Tất cả các sân bay và hãng hàng không đều thiếu nhân viên vào lúc này. Sân bay đang cố gắng tuyển dụng trở lại, nhưng dường như đây không còn là nơi làm việc hấp dẫn như trước nữa”.

Trong bối cảnh này, các hãng hàng không toàn cầu đã kêu gọi một đợt tuyển dụng khẩn cấp, sau các sự cố gián đoạn tại các hãng hàng không và sân bay ở Anh, EU và Mỹ. Swissport - một tập đoàn quốc tế phục vụ các hãng hàng không hoạt động tại 285 sân bay trên toàn cầu cho biết đang tìm kiếm 30.000 nhân viên vào mùa hè này và đã thực hiện các chiến dịch tuyển dụng trên mạng xã hội ở Anh và Mỹ.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Nick Careen nêu rõ: “Sự thiếu hụt mà chúng ta đang trải qua thời điểm này là dấu hiệu của những thách thức dài hạn để đạt được nguồn nhân lực ổn định”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành hàng không thế giới: Đối phó với khủng hoảng lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.