(HNM) - Dự thảo “Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan” đang được Tổng cục Hải quan xây dựng và hoàn thiện.
Đây là văn bản quan trọng, có tác động điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức, viên chức hải quan khi thực thi công vụ. Việc làm này cũng có tác dụng đặc biệt sau khi một số cán bộ, công chức của Cục Hải quan TP Hải Phòng bị kỷ luật, điều chuyển công tác vì có sai phạm trong thi hành công vụ.
Đầu tháng 4-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3236/VPCP-V.I về việc xác minh nội dung Báo Lao động phản ánh về hành vi tiêu cực của một số cán bộ, công chức Cục Hải quan TP Hải Phòng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP Hải Phòng làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, tiến hành kiểm tra, xác minh các nội dung liên quan và quyết định thi hành kỷ luật đối với 10 trường hợp. Trong đó, khiển trách chi cục trưởng, 2 phó chi cục trưởng, 2 đội trưởng để làm gương. Xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 5 trường hợp gồm 2 phó đội trưởng và 3 công chức hải quan...
Ngay sau quyết định kỷ luật của Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo, giao Bộ Nội vụ thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan để kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và doanh nghiệp về những vụ việc tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan TP Hải Phòng, từ đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu Cục Hải quan TP Hải Phòng cũng như các đơn vị liên quan nhằm đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7.
Những vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Cục Hải quan TP Hải Phòng cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức của ngành Hải quan đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công vụ, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ, Bộ Tài chính đang thực hiện. Quyết định kỷ luật nghiêm khắc được đưa ra không chỉ là “hồi chuông cảnh báo” với những cán bộ, công chức có hành vi sai phạm, mà còn đòi hỏi ngành Hải quan phải sớm có những hành động thiết thực nhằm siết chặt kỷ luật công vụ, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Để siết chặt kỷ luật công vụ, khắc phục những bất cập xảy ra thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo “Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan”, một văn bản quan trọng có tác động, điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành khi thực thi công vụ. Ông Lương Hải Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo cho biết, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã ban hành một số quyết định, quy chế nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, góp phần chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong ngành.
Tuy nhiên, đến nay các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế. Trên cơ sở tổng kết, kế thừa các văn bản hiện hành, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo “Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan”. Mục tiêu của dự thảo lần này là đấu tranh chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, loại bỏ thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp... Theo ông Lương Hải Hưng, quy chế này khi được ban hành sẽ giúp công chức hải quan nhận thức rõ ràng hơn tính tuân thủ, chuyên nghiệp trong thực thi công vụ và những điều mình không được làm.
Việc ra đời của quy chế trên sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật, góp phần hoàn thành mục tiêu “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả” mà ngành Hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.