(HNM) - Khúc ruột miền Trung vốn đã khó khăn nay càng phải gồng mình chống chịu với sự cố môi trường biển. Lượng khách du lịch biển sụt giảm mạnh kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại...
Chủ động, trách nhiệm
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố môi trường, ngay sau kỳ nghỉ lễ dài ngày (ngày 4-5), Sở Du lịch Hà Nội cùng với đại diện Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường miền Trung. Sở Du lịch Hà Nội cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp đưa ra những gói du lịch kích cầu tới thị trường miền Trung, đồng thời có báo cáo gửi Tổng cục Du lịch và kiến nghị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào cuộc nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh miền Trung.
Du khách tham quan Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). |
Sau đó 3 ngày (ngày 7-5), một đoàn công tác do Sở Du lịch Hà Nội dẫn đầu cùng Hiệp hội Du lịch thành phố cùng các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô như: Hanoi Tourist, ITC Travel, Sun Smile Travel, Hòn Gai Tourist, Vietran Tour... đã trực tiếp thị sát tại các tỉnh ven biển miền Trung để cùng tìm giải pháp hỗ trợ các tỉnh bạn. Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch Hà Nội Trịnh Xuân Tùng vừa trở về sau chuyến khảo sát cho biết, động thái của ngành du lịch Thủ đô được các tỉnh bạn đánh giá rất cao, khẳng định Hà Nội là địa phương đầu tiên về với miền Trung chia sẻ khó khăn. Ngày đầu về với Hà Tĩnh, với biển Thiên Cầm, Xuân Thành, chứng kiến những gì bà con nơi đây đang đối mặt, các thành viên trong đoàn không khỏi xót xa. Du lịch biển Hà Tĩnh mang tính mùa vụ, từ khi có thông tin biển bị ô nhiễm, lượng khách giảm mạnh, nhiều nhà hàng ven biển đóng cửa vì không có khách. Với hơn 85% lao động sống dựa vào ngành dịch vụ, du lịch nay phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình cũng cho thấy, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua chỉ đạt 82.000 lượt, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng khách hủy tour đến Quảng Bình lên tới trên 40%.
Từ thực trạng này, mục tiêu của du lịch Hà Nội là phối hợp với 4 tỉnh miền Trung tiến hành khảo sát để xây dựng thành sản phẩm du lịch kết nối điểm đến của cả 4 tỉnh trong một lịch trình tour, hướng tới mục tiêu liên kết chuỗi "4 tỉnh 1 điểm đến", tạo sự mới lạ hấp dẫn du khách đồng thời chuyển hướng kết hợp du lịch biển với các loại hình khác. Kết thúc chuyến khảo sát, ngành du lịch Hà Nội và các tỉnh miền Trung đã thống nhất chủ trương trên và xem đây là giải pháp khả thi trước mắt nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến du khách và doanh nghiệp.
Và những hành động cụ thể
Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh du lịch của cả nước, có 3 công ty lữ hành với những thương hiệu Hanoitourist, Hà Nội Toserco và Thăng Long GTC, Tổng công ty Du lịch Hà Nội - Hanoitourist đã có những động thái rất tích cực. Phát huy thế mạnh trong việc xây dựng những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn có sức cạnh tranh, tổng công ty đã chuyển hướng mở rộng các tour, các loại hình du lịch sinh thái, khám phá đến miền Trung. Mặt khác, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã phối hợp với các địa phương đưa ra các hình thức khuyến mãi, quảng bá để thu hút khách đến những bãi biển an toàn, có nguồn thực phẩm, nhà nghỉ, khách sạn an toàn.
Cùng với các doanh nghiệp Thủ đô, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, đang xây dựng các tour du lịch sinh thái, tâm linh song hành với tour du lịch biển an toàn. Như ở Quảng Trị, Tổng công ty tăng cường tổ chức thêm tour thăm Thành Cổ, Nghĩa trang Đường 9. Tại Quảng Bình sẽ hướng đến các điểm du lịch như Phong Nha - Kẻ Bàng, Sơn Đoòng, Sông Chày, Hang Tối… với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như khám phá hang động, thể thao, leo núi, vượt thác, lội suối, chèo thuyền...
Theo ông Phạm Quang Thanh, dù sự cố môi trường biển ở miền Trung xảy ra từ trước, song lượng du khách của Tổng công ty đến với thị trường này dịp 30-4, 1-5 không giảm nhiều. Chỉ riêng Công ty Lữ hành Hanoitourist đã đưa 655 khách thuộc 32 đoàn đến miền Trung. Các đoàn khách đều được bảo đảm an toàn. Đây là tín hiệu tốt để Tổng công ty tiếp tục nỗ lực cùng các tỉnh miền Trung vượt khó.
Sát cánh với miền Trung, các doanh nghiệp du lịch Thủ đô với nòng cốt là các đơn vị thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội sẽ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch các địa phương, trao đổi thông tin, đẩy mạnh truyền thông để thu hút du khách đến với 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.