(HNM) - Đánh giá về tác động của
Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành |
Được biết, trong đợt đầu của "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ chưa áp dụng thuế với lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, dự kiến trong đợt hai gói áp thuế lên tới 200 tỷ USD sẽ được cơ quan thương mại Mỹ áp dụng, có thể vào cuối tháng 8, thì các mặt hàng dệt may Trung Quốc sẽ bị áp thuế lên tới 10% giá trị gia tăng.
Theo đánh giá của Trade Map (Hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại, đặc biệt là xuất, nhập khẩu của các nước), tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ năm 2017 đạt 114,12 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 40,83 tỷ USD (tương đương 35,78%), từ Việt Nam là 12,26 tỷ USD (10,75%). Nếu "cuộc chiến" thương mại chưa dừng lại, Mỹ sẽ áp thuế với mặt hàng dệt may của Trung Quốc 932/tổng số 3.393 dòng thuế Trung Quốc có xuất sang nước này, chiếm khoảng 1/3 dòng thuế đến Mỹ bị ảnh hưởng.
Những mặt hàng của Trung Quốc có thị phần lớn (trên 20%) bị ảnh hưởng nhiều trên thị trường gồm thảm các loại, sợi polyester đơn độ co giãn cao, sợi xơ ngắn nhân tạo tổng hợp, vải canvas, vải cotton, vải không dệt, vải dệt kim... Vì vậy, theo ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn cũng đã có những phân tích và thấy ngành Dệt may trong nước có khoảng 20 mặt hàng có thể có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu.
Trong số này, có các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE. Trong năm 2018, ngành Dệt may trong nước sẽ không bị ảnh hưởng từ "cuộc chiến" thương mại giữa hai quốc gia trên.
Thực tế, công bố của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, nửa đầu năm 2018, ngành Dệt may tiếp tục duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ 2017.
Hiệp hội cũng đánh giá dựa trên 3 căn cứ: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm như kể trên; những diễn biến từ "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam; theo tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu đang tăng nhanh, thì dự kiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Ước tính, 6 tháng cuối năm kim ngạch đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Đáng chú ý, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm. Một số công ty đạt kim ngạch xuất khẩu như: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Công ty TNHH Regina Miracle, Công ty TNHH Worldon Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, đến hết năm nay, ngành Dệt may Việt Nam có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra, cho dù "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra. Tuy nhiên, nếu “cuộc chiến” này tiếp tục kéo dài và hai bên tiếp tục ra đòn trừng phạt nhau như việc áp thuế gói 200 tỷ USD, thì sang năm 2019, ngành Dệt may sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khi Mỹ áp thuế cao với hàng dệt may Trung Quốc buộc doanh nghiệp nước này sẽ tìm khách hàng thay thế cũng như đẩy mạnh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác để cạnh tranh nhằm tránh bị áp thuế. Ví dụ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể dịch chuyển sản xuất, “tuồn” hàng dư sang Việt Nam, đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, còn một điều không thể không tính đến đó là, do bị áp thuế cao, doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải cắt giảm chi phí từ sản xuất để giảm giá sản phẩm bù vào khiến thị trường cạnh tranh càng khốc liệt.
Vì vậy, cho dù sẽ có lợi thế xuất khẩu một số mặt hàng vào thị trường Mỹ, nhưng cơ hội lại là 50-50 nên chỉ doanh nghiệp biết tận dụng sẽ giành chiến thắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.