Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Dệt may nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

Trung Hiếu| 22/05/2022 07:54

(HNM) - Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bằng những giải pháp phù hợp và thích ứng linh hoạt, ngành Dệt may đã lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất. Những tín hiệu tươi sáng này đã và đang tạo đà cho ngành Dệt may hoàn thành mục tiêu của năm 2022 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 42 đến 43,5 tỷ USD.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Thanh Hải

Để khẳng định thêm về điều này, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong quý I-2022, tổng doanh thu hợp nhất của Vinatex đã đạt 5.152,46 tỷ đồng (bằng 144,2% so với cùng kỳ), đạt 28,5% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỷ đồng (bằng 173,9% so với quý I-2021), bằng 39,6% kế hoạch năm. Trong đó có sự tăng trưởng mạnh của cả ngành sợi và ngành may, cụ thể ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ. Có được kết quả đó là nhờ hai ngành sợi và may có sự tăng trưởng cao khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Điều này đã giúp tình hình lao động ổn định, đơn hàng dồi dào, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến hết quý III-2022.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Vinatex Nguyễn Song Hải, ngành dệt kim đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau khi cơ quan điều hành tập đoàn đã tìm kiếm được đối tác chiến lược. Sản lượng sản xuất quý I-2022 bằng 6,2 lần so với cùng kỳ. Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Hanosimex đều có lợi nhuận, đạt gần 30% kế hoạch năm. Hiện các đơn vị đang làm việc với đối tác mới để hợp tác sản xuất sợi recycle, sau đó chuyển qua sản xuất vải và may cùng trong hệ thống của Vinatex.

Chia sẻ thêm về điều này, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết, May 10 đã có đơn hàng đến hết quý III-2022. Trong khó khăn vừa qua, có thời điểm May 10 chỉ duy trì ở mức 30% lượng đơn hàng, nhưng đến nay gần như đã khôi phục hoàn toàn. Dự kiến, doanh thu năm 2022 cao hơn so với thời điểm trước dịch là hơn 10%. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy trong quý I-2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt hơn 8 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp dệt may nước ta đang cố gắng bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tận dụng lợi thế từ các thị trường quan trọng. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng với thị trường thế giới, nhưng chúng ta vẫn có những cơ hội về phát triển ngành công nghiệp dệt may, tự động hóa, tạo ra động lực lớn để Việt Nam có khả năng cạnh tranh về thời gian, chất lượng cũng như số lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định Thương mại thế hệ mới (FTA). Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cho biết, nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may cho Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, thể hiện qua hệ thống nhà máy được đầu tư công nghệ, thiết bị đạt chuẩn, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm phát thải, giảm tiêu thụ nước…

Tuy nhiên, việc thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phải huy động thêm nguồn lực tài chính và có lộ trình triển khai. Song ngược lại, nếu thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách hiệu quả, sẽ làm tăng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, của ngành dệt may. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp nhận đơn hàng có giá trị cao, tăng lợi thế trong cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động, đa dạng hóa nguồn hàng để ổn định sản xuất cũng như kết hợp với nhà cung cấp tìm các nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu, tăng năng suất thông qua việc đầu tư về quản trị, thiết bị công nghệ, định hướng xanh hóa sản phẩm, bảo đảm thời gian đối với những đơn hàng giao nhanh. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng thị trường, nguồn hàng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Dệt may nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.