(HNM) - 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm da giày gặp nhiều khó khăn song vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. Để tiếp tục duy trì đà tăng này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành da giày rất cần sự trợ sức, đặc biệt là từ cơ chế, chính sách. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân về vấn đề này.
- Bà đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành da giày, túi xách 6 tháng qua và triển vọng thời gian tới?
- Từ cuối năm 2020, do các nước xuất khẩu da giày tại Nam Á và Đông Nam Á sụt giảm sản lượng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời do lợi ích cắt giảm thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dịch chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, nhiều doanh nghiệp da giày lớn tại Việt Nam đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả quý III và quý IV-2021.
Trong tháng 6-2021, xuất khẩu sản phẩm da giày Việt Nam đạt gần 2,33 tỷ USD, tăng 19,5% so với tháng 6 năm 2020, trong đó gồm 2 tỷ USD giày dép và 325 triệu USD túi xách các loại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu da giày Việt Nam đạt 12,1 tỷ USD (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 10,4 tỷ USD (tăng 27,8%) và túi xách đạt 1,7 tỷ USD (tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020).
6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động ngành da giày thời điểm 1-6-2021 tăng 1,4% so với thời điểm ngày 1-5-2021 và tăng 2,2% so với thời điểm 1-6-2020.
Với sự phục hồi của thị trường, nhất là tại Mỹ, EU và do suy giảm sản lượng tại các nước châu Á khác, dự kiến cả năm 2021 ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15-16% so với năm 2020.
- Bên cạnh thuận lợi, ngành da giày, túi xách hiện phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa bà?
- Dịch Covid-19 bùng phát tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn như Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động do đơn hàng tăng, trong khi khó tuyển dụng thêm lao động và khó khăn trong việc đi lại giữa các địa phương vì các lệnh giãn cách xã hội. Đồng thời, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần), chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây khó khăn cho xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp lo ngại chi phí còn tăng trong các tháng cuối năm do Cảng Hải Phòng áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển với các mức cao.
- Trước thực tế trên, Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp có giải pháp gì để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thời gian tới?
- Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung cấp thông tin thị trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đình trệ, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế trực tuyến, phổ biến cho các doanh nghiệp về cách tiếp cận các ưu đãi trong các hiệp định thương mại…
Hiệp hội cũng phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng khác tham vấn chính sách, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan nhà nước đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nâng cao đời sống cho người lao động.
Với số lượng đơn hàng tăng, trong khi dịch bệnh ảnh hưởng nhiều mặt, các doanh nghiệp da giày cần tập trung cho sản xuất, tiết giảm chi phí, tận dụng những ưu đãi và thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do để thực hiện tốt các đơn hàng xuất khẩu. Đặc biệt, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Chính phủ và các địa phương, nhất là đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, để giảm thiểu tác động do dịch bệnh.
- Bà có kiến nghị gì để ngành thực hiện tốt mục tiêu kép, phát triển ổn định thời gian tới?
- Chúng tôi mong muốn Nhà nước có giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm giảm chi phí logistics và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển. Ngoài ra mong Chính phủ sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là với một số quy định mới như yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu tại chỗ phải đóng thuế nhập khẩu mới được làm thủ tục nhận hàng và làm thủ tục hoàn thuế nếu sản phẩm được xuất khẩu; hay phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hành chính làm cản trở đến quá trình cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất... Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung để duy trì lực lượng sản xuất.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.