(HNMO) – Sau hơn một tháng kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghệ toàn cầu.
Chuỗi bán lẻ, văn phòng, nhà máy đóng cửa vô thời hạn
Kể từ đầu tháng 2-2020, nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có Samsung, Apple, Microsoft, Tesla, Google…, đã thông báo đóng cửa hoàn toàn văn phòng, nhà máy sản xuất lẫn các cửa hàng bán lẻ trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Bản thân Google cũng đóng cửa cả văn phòng tại Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc). Một vài trong số này từng lên kế hoạch ấn định lịch hoạt động trở lại cho các cơ sở là vào ngày mai 10-2, nhưng tới nay vẫn chưa đưa ra thông báo cụ thể.
Hiện nay, Amazon là doanh nghiệp hiếm hoi chưa đóng cửa toàn bộ văn phòng tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thượng Hải, nhưng hãng này yêu cầu phải xin phép đối với mọi chuyến đi tới Trung Quốc. Ngoài ra, những nhân viên trở về từ Trung Quốc cũng được khuyến nghị làm việc tại nhà trong 14 ngày trước khi trở lại nơi làm việc.
Sản xuất đình trệ, khó ra mắt sản phẩm mới
Hầu hết các sản phẩm công nghệ hiện nay đều sản xuất tại Trung Quốc, hoặc có một phần linh kiện đến từ các nhà máy nước này. Vì vậy, giới chuyên môn không khỏi lo ngại về việc năm 2020 và 2021 có thể chứng kiến sự thiếu hụt chưa từng có đối với các thiết bị số, bao gồm cả điện thoại thông minh, kính thực tại ảo, thậm chí là ô tô và các thiết bị gia dụng. Hiện nay, hai nhà sản xuất các thiết bị Apple là Foxconn và Pegatron đã phải trì hoãn các dây chuyền sản xuất iPhone (vốn cung ứng gần như cho toàn thế giới) và AirPods vì công nhân không thể tiếp tục làm việc trong bối cảnh nCoV lan tràn.
Về phần mình, Facebook cũng đã ngừng nhận đặt hàng kính Oculus Quest VR từ phía người dùng, vì lo ngại không thể đáp ứng được kịp thời. Lý do mà mạng xã hội này đưa ra là để bảo đảm an toàn cho nhân viên, đối tác sản xuất và chính khách hàng khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
ASUS cũng vừa thông báo đến người hâm mộ dòng máy điện thoại chơi game ROG Phone II rằng sẽ tạm ngừng bán sản phẩm vô thời hạn.
Với một số nhà sản xuất ô tô, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Tesla vừa cho biết sẽ hoãn lịch giao xe Model 3 mới từ 7 đến 10 ngày vì dịch bệnh, trong khi hoạt động sản xuất của KIA và Hyundai tại Hàn Quốc bắt đầu tê liệt vì thiếu phụ tùng, phụ kiện từ Trung Quốc.
Trong khi đó, gặp nhiều khó khăn hơn cả là các nhà sản xuất của chính nền kinh tế số một châu Á. Hầu hết các thương hiệu như Huawei, Xiaomi, Oppo, Lenovo đều không là ngoại lệ. Những hãng chủ yếu trông chờ nguồn linh kiện từ tỉnh Hồ Bắc như Lenovo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Huawei vốn hoạt động tập trung tại Quảng Đông sẽ đối mặt ít khó khăn hơn. Tuy nhiên, hãng phân tích Canalyst cho rằng hiện không có một doanh nghiệp Trung Quốc nào có thể vận hành với 100% công suất.
Đảo lộn lịch các sự kiện lớn
Hầu hết các sự kiện công nghệ lớn diễn ra trong nửa đầu năm 2020 hầu như đều gặp sự cố. Tới nay, LG, ZTE, Ericsson đã tuyên bố sẽ không tham dự Mobile World Congress (MWC) – sự kiện thường niên lớn nhất thế giới của ngành viễn thông dự kiến sẽ diễn ra từ 24-2. MWC 2020 vẫn sẽ được tổ chức vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới nay chưa yêu cầu hủy các sự kiện ở cấp độ toàn cầu, dù đã nâng cảnh báo tình trạng khẩn cấp về y tế.
Trong khi đó, lịch tổ chức hội thảo các nhà phát triển ứng dụng do Huawei trong tuần tới đã được tuyên bố dời tới cuối tháng 3. Tuần thi đấu thứ hai của giải trò chơi Liên minh huyền thoại vẫn trong tình trạng hoãn vô thời hạn. Blizzard, cha đẻ của Warcraft, Starcraft…, cũng cho biết hủy toàn bộ các trận đấu giải Overwatch trong tháng 2 và tháng 3.
Mặc dù tình hình dịch viêm phổi cấp do nCoV đã phần nào diễn biến khả quan hơn khi tốc độ lây lan chậm lại, nhưng những “vết thương” mà dịch bệnh để lại cho nền kinh tế Trung Quốc và ngành công nghệ toàn cầu sẽ còn lâu mới có thể lành trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.