Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành cần chiến lược giữ chân người lao động

Nguyễn Minh| 17/02/2011 07:29

(HNM) - Năm 2010, khu vực dệt may vẫn được cho là có mức lương thấp, điều kiện lao động chưa bảo đảm cho người lao động, CNLĐ, trong khi đây là một ngành sử dụng lao động với số lượng lớn.

Để giải quyết vấn đề này trong năm 2011 và những năm tiếp theo, ngành dệt may Việt Nam đã có những chương trình cụ thể nhằm giữ chân người lao động. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc tốt mới có thể giữ chân người lao động. Ảnh: Internet

- Thưa ông, những năm qua, NLĐ trong ngành dệt may thường phàn nàn về mức lương và điều kiện làm việc. Ông cho biết kế hoạch cải thiện những vấn đề này của ngành năm 2011 và những năm tiếp theo?

- Giai đoạn 2011-2015, chúng tôi sẽ triển khai các chương trình hành động nhằm thỏa mãn 3 yếu tố là môi trường - điều kiện làm việc, đời sống văn hóa tinh thần và thu nhập cho NLĐ. Cùng với công đoàn ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi xây dựng chương trình hành động gồm cả việc tổ chức những hoạt động văn hóa, tinh thần, nhà tập thể, chung cư, cho công nhân, hạn chế việc công nhân phải ở trọ.

- Việc đó có quá khó không thưa ông, khi mà NLĐ phải sống xa quê hương, phải chịu mức chi phí lớn?

- Hiện tại, Tập đoàn Dệt may đang phát triển các nhà máy tại khu vực vùng sâu, vùng xa, như nhà máy tại Sơn Động (Bắc Giang) với hơn 500 LĐ, thu nhập đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những mục tiêu thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao theo đề án hỗ trợ các huyện nghèo. Chúng tôi cũng hiểu, với một huyện nghèo thì đây là mức thu nhập chưa cao nhưng ổn định. Việc đầu tư xa gây khó khăn cho chủ đầu tư nhưng với trách nhiệm xã hội, chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Ngoài ra, tập đoàn đang đặt mục tiêu cải thiện năng suất tại một số nhà máy ở khu vực nông thôn nhằm cải thiện điều kiện sống cho NLĐ theo chủ trương "ly nông nhưng không ly hương".

- Ngành dệt may có chính sách gì để đối phó với vấn đề "chảy máu lao động", đặc biệt là ở các vùng đô thị trọng điểm?

- Với sự phát triển của đất nước, quá trình tái phân bố của các doanh nghiệp dệt may là cần thiết. Trong đó, các doanh nghiệp phải đầu tư về địa phương để NLĐ không phải đi xa, không phải vào các trung tâm đô thị. Chiến lược 10 năm (2011-2020) của ngành dệt may Việt Nam là xây dựng nhiều hạt nhân ở những khu công nghiệp làm từ nguyên liệu đến may mặc hoàn chỉnh. Chúng tôi đã có kế hoạch dịch chuyển rất lớn để phân tán phần may về địa phương. Điều này giúp NLĐ không phải thuê nhà ở, không phải đi xa. Theo tôi, lý do dẫn đến tình trạng "chảy máu lao động" của tập đoàn là lương trung bình toàn ngành mới chỉ đạt 2,1 triệu đồng. Mặt khác, việc cạnh tranh về lao động trong ngành với nhau khá gay gắt khiến người lao động có tâm lý "nhảy việc". Dự kiến đến năm 2015, Tập đoàn Dệt may cần tới hơn 3 triệu lao động, nếu các doanh nghiệp không có chiến lược giữ chân người lao động bằng các chế độ đãi ngộ, chế độ làm việc và môi trường làm việc tốt thì thiếu lao động là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, chúng tôi đang chỉ đạo các doanh nghiệp khi xây dựng nhà máy mới cần dành một phần đất để xây dựng ký túc xá cho công nhân. Hiện nay, một số công ty như Nhà Bè, Hanosimex... đã làm được điều đó.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành cần chiến lược giữ chân người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.