Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa từ gốc

Thành Tâm| 06/12/2011 08:18

(HNM) - Ngày 5-12, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ CA cho biết, tội phạm buôn bán người là một trong những loại tội phạm còn tiềm ẩn rất nhiều phức tạp.


Đây là kết quả đáng kể trong công tác nghiệp vụ nhưng so với thực trạng tội phạm và đòi hỏi nhiệm vụ, kết quả đó còn rất khiêm tốn. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, cơ quan CA và cả xã hội cần chung tay bịt ''lỗ hổng'' đang bị tội phạm lợi dụng...


Công an Móng Cái (Quảng Ninh) lấy lời khai một đối tượng buôn bán người.

Nhận diện bẫy người

Kết quả điều tra nhiều vụ án trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận cho thấy, thủ đoạn của tội phạm chủ yếu vẫn là dụ dỗ, hứa hẹn giúp phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn nghèo về Hà Nội làm việc có thu nhập cao rồi lừa, ép bán vào các ổ mại dâm hoặc đưa lên biên giới bán. Loại đối tượng dễ thành miếng mồi của tội phạm này là học sinh, sinh viên hư, đua đòi. Thông qua internet, tội phạm tìm cách tiếp cận các em, vờ yêu đương rồi dần dần khống chế, ép đưa đi bán. Liên quan đến thủ đoạn này, trong chuyên án 146P, tháng 2-2011, CATP Hà Nội đã bắt Đào Văn Dương (SN 1986, quê ở Kim Bảng, Hà Nam). Bằng cách tán tỉnh, vờ yêu, rủ đi chơi ở Lạng Sơn, Dương đã lừa bán 7 phụ nữ sang Trung Quốc. Trong một vụ án khác, tháng 7-2011, CA giải cứu được 6 cháu gái bị tội phạm lừa ép bán dâm tại quán karaoke ở thị trấn Bần, Yên Nhân (tỉnh Hưng Yên)... Một thủ đoạn khác rất nguy hiểm của tội phạm là tìm những phụ nữ có con nhỏ hoặc đang mang thai có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới cho nhận con nuôi hoặc bán con sau khi sinh. Đặc biệt, kẻ gian đã liều lĩnh vào các cơ sở y tế để bắt cóc trẻ sơ sinh...

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng theo nhận định của cơ quan CA, công tác PCTP mua bán người còn quá nhiều khó khăn vướng mắc. Công tác tuyên truyền sau khi khám phá các vụ án đã được đẩy mạnh nhưng nhiều phụ nữ, trẻ em vẫn nhẹ dạ cả tin, tiếp tục mắc bẫy tội phạm. Thêm vào đó, do tập trung đông người ngoại tỉnh cư trú, lại có nhiều tuyến giao thông lan tỏa nên lợi dụng địa bàn rộng lớn và phức tạp này, tội phạm mua bán người đã lấy Hà Nội là nơi tập kết, trung chuyển phụ nữ, trẻ em trước khi đem đi bán. Bọn chúng lại thường hoạt động lưu động, liên quan đến nhiều địa phương trong nước, cấu kết với tội phạm ở nước ngoài khiến cho công tác xác minh, thu thập tài liệu, điều tra, truy bắt gặp nhiều khó khăn.

Một vướng mắc khác khiến hiệu quả công tác PCTP mua bán người còn hạn chế là việc xác minh, tìm và giải cứu người bị hại bị bó buộc bởi các thủ tục. Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện nạn nhân đã bị bán sang Trung Quốc, việc tổ chức giải cứu phải thực hiện theo thủ tục giữa nhiều cơ quan chức năng của cả Việt Nam và nước bạn. Thời gian giải quyết thủ tục này thường kéo dài, không bảo đảm yêu cầu khẩn trương của công tác điều tra, dẫn đến thực trạng là có lúc cơ quan chức năng phải động viên gia đình nạn nhân tự xuất cảnh để liên hệ với CA địa phương của nước bạn, nhờ giải cứu, đưa nạn nhân về theo đường tiểu ngạch. Nạn nhân khi được giải cứu trở về lại thường có tâm lý muốn giữ kín sự việc, không trình báo hoặc hạn chế hợp tác với cơ quan CA...

Bịt những "lỗ hổng"

Hậu quả của tội phạm mua bán người rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm của nạn nhân, gây ra những hậu quả khôn lường đối với xã hội. Vì vậy, công tác phòng ngừa được xác định là một khâu quan trọng, giúp công tác đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, cần tập trung vào biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao. Từ thực tế công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người, CATP đề xuất, việc tuyên truyền, giáo dục cần có nhiều hình thức phong phú hơn như, tổ chức các lớp tập huấn, giáo dục chính sách pháp luật; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, các trường ĐH, CĐ, PTTH để mọi người dân hiểu rõ thủ đoạn, phương thức tội phạm, cảnh giác nhận diện và tố giác tội phạm. Đồng thời, việc tuyên truyền phòng ngừa loại tội phạm này không thể tách rời các biện pháp căn cơ về an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa bàn nguy cơ cao. Vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở.

Về mặt pháp lý, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh. Chẳng hạn, những điều kiện về cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài cần được tiếp tục bổ sung cho chặt chẽ, vừa bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn, vừa tránh để tội phạm lợi dụng. Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội (khóa XII) thông qua cần sớm được triển khai vào cuộc sống...

Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành trong khối nội chính, sự hợp tác, trao đổi thông tin với lực lượng chức năng của các nước láng giềng cũng là yêu cầu không thể thiếu để nâng cao hiệu quả đấu tranh. Đáng mừng là, ngày 16-11 vừa qua, Bộ CA Việt Nam và cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã xây dựng đề án tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này, giai đoạn 2011-2015. Qua đó, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan và biện pháp tăng cường năng lực cho các địa phương về hợp tác quốc tế PCTP mua bán người đã được bàn bạc và đi đến thống nhất. Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP nhấn mạnh, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế là yêu cầu quan trọng trong công tác PCTP mua bán người.

Được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, để cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực PCTP mua bán người, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội và hệ thống chính trị, với nòng cốt là lực lượng CA nhằm bịt hết những kẽ hở, lỗ hổng trên lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.