Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa những chuyện tương tự tái diễn

Hạ Vân| 12/12/2021 05:10

(HNMCT) - Câu chuyện bản quyền luôn là vấn đề nóng được các tác giả, dịch giả và đội ngũ làm công tác xuất bản quan tâm. Hànộimới Cuối tuần giới thiệu một số ý kiến của các tác giả, đại diện đơn vị xuất bản, phát hành sách.

Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương:
Vi phạm bản quyền là “mảng tối” trong nền xuất bản

Đối với tác giả, dịch giả là người làm ra, chủ sở hữu tác phẩm thì bản quyền không chỉ là quyền lợi kinh tế mà còn là tài sản trí tuệ, tinh thần, có tính chất thiêng liêng như sinh mệnh và danh dự. Những bên khai thác bản quyền dù sử dụng vào mục đích nào thì đều phải tôn trọng bản quyền, phải xin phép và khi sử dụng phải tuân thủ đúng cam kết trong hợp đồng và luật pháp hiện hành.

10 năm nghĩ và viết được một cuốn sách, rồi "được" người ta "bán hộ" suốt ba năm, cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của tôi bị vi phạm bản quyền đã gây thiệt hại cho tôi cả về vật chất lẫn tinh thần. Vụ việc tôi bị xâm phạm bản quyền bởi công ty Waka và Zroup cũng như phản ứng, cách ứng xử, thái độ của hai đơn vị này sau đó đã phản ánh rất nhiều điều về "mảng tối" trong nền xuất bản Việt Nam.

Cá nhân tôi cho rằng, muốn nền xuất bản phát triển, muốn văn hóa đọc tương xứng với tiềm lực quốc gia, sự kỳ vọng của người dân để đem lại phẩm cách quốc gia và danh dự cho dân tộc thì phải xóa hết những "mảng tối" đó. Trong công việc này, ý thức về quyền và lợi ích hợp pháp của giới tác giả, dịch giả cũng như thái độ kiên quyết của họ trong việc từ chối hợp tác với các công ty kinh doanh theo lối bất minh, chụp giật, thiếu tôn trọng tri thức, tôn trọng sự sáng tạo thầm lặng của tác giả, dịch giả có vai trò quan trọng.

Ở Việt Nam, nơi nền xuất bản xuất hiện muộn và trải qua nhiều biến cố bất lợi thì ý thức nói chung về bản quyền chưa cao. Điều này dẫn tới tình trạng sử dụng sách lậu các dạng diễn ra ở nhiều nơi và dư luận dễ dung dưỡng cho hành vi xâm phạm bản quyền. Tôi lên tiếng về chuyện mình bị xâm phạm bản quyền một phần là để đòi lại danh dự và quyền lợi hợp pháp chính đáng, nhưng một phần khác là mong muốn "làm sạch" nền xuất bản và ngăn ngừa những chuyện tương tự tái diễn.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng Bản quyền, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam:
Hều hết tác phẩm của Nhã Nam bị vi phạm bản quyền

Số đầu sách của Nhã Nam bị vi phạm bản quyền rất nhiều. Các đầu sách bán chạy bị in lậu và bán với giá rất rẻ trên nhiều trang facebook. Hầu hết các đầu sách, đặc biệt là các tiểu thuyết, đều bị chuyển thể thành sách điện tử cho dowload miễn phí hoặc chia sẻ trong các nhóm kín của những người sử dụng thiết bị đọc sách điện tử. Nếu là tác phẩm nổi tiếng, thủ đoạn chia sẻ công khai sách vi phạm bản quyền và cho tải sách miễn phí với mục đích lấy tiền quảng cáo, duy trì hoạt động của trang. Hành vi vi phạm khác là đọc thành audiobook và "úp" lên một số mạng xã hội như YouTube... mà không xin phép. Nhã Nam cũng từng được đối tác nước ngoài thông báo về tác phẩm bị vi phạm bản quyền, thông qua giải thích dù đối tác hiểu và thông cảm, nhưng điều này cũng có ít nhiều ảnh hưởng.

Ở các nước phát triển, ý thức về bản quyền của người đọc cao hơn nên tỷ lệ dùng sách lậu thấp, nằm trong giới hạn chấp nhận được của các đơn vị kinh doanh, cùng với đó là chế tài xử lý những hành vi vi phạm bản quyền rất nặng. Ở Việt Nam, vấn đề này vẫn còn những hạn chế. Ý thức bản quyền của người đọc chưa cao. Việc xử phạt còn chưa có tác dụng răn đe mạnh. Với các trang, nhóm vi phạm bản quyền trên mạng, cách làm nhanh nhất có lẽ là trực tiếp liên hệ để yêu cầu gỡ bỏ, bởi rất khó tố cáo. Nhất là với những trang chủ tại nước ngoài thì những đơn vị bị vi phạm như Nhã Nam không biết phải đi tố cáo với cơ quan, tổ chức nào. Những điều này khiến cho sách điện tử còn khó phát triển.

Bà Vũ Phương, biên tập viên Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam:
Độc giả cũng là đối tượng chịu thiệt thòi

Vi phạm bản quyền diễn ra từ nhiều năm nay. Với Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam, nhiều cuốn sách bị in lậu, bị vi phạm bản quyền như “Mẫu thượng ngàn”, “Phẩm cách phụ nữ”, “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống”... Nói chung, cứ cuốn sách nào hơi “nổi” một chút, có lượng phát hành tốt là thế nào cũng có bản sách lậu, sách ebook không bản quyền. Mới đây nhất, NXB Phụ nữ Việt Nam đã đăng thông báo trên fanpage về việc vi phạm bản quyền của Waka với tác phẩm "Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường”.

Tôi cho rằng việc NXB lên tiếng, phản ánh về tình trạng vi phạm bản quyền của Waka là bảo vệ quyền lợi chính đáng với tác phẩm mà NXB được nhượng quyền khai thác xuất bản. Đây cũng là trách nhiệm của NXB trong việc thực hiện điều khoản trong hợp đồng bản quyền là cùng tác giả bảo vệ tác phẩm khi tác phẩm bị xâm phạm.

Việc vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng đối với tác giả, dịch giả hay NXB mà chính độc giả cũng sẽ là đối tượng chịu “thiệt thòi” khi có thể không được tiếp cận những tác phẩm hay, những tác phẩm giá trị. Nhiều đơn vị đối tác nước ngoài, nhiều tác giả sẽ không mặn mà bán bản quyền cho các đối tác Việt Nam khi họ không tin tưởng về bảo hộ bản quyền tác giả. Hơn nữa, hành vi vi phạm bản quyền cũng ảnh hưởng đến giáo dục trẻ, khi các bậc phụ huynh cứ vô tư sử dụng sách miễn phí sẽ khiến trẻ cũng hình thành thói quen không nghĩ đây là “ăn trộm”, là vi phạm pháp luật mà coi đó là điều bình thường. Điều này sẽ có thể khiến trẻ gặp nhiều khó khăn khi hội nhập giao lưu quốc tế hoặc khi ra nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa những chuyện tương tự tái diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.