(HNMCT) - Sự phát triển của công nghệ những năm gần đây đã tạo ra nhiều cơ hội cho ngành Xuất bản nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, trong đó, vấn đề vi phạm bản quyền có diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho tác giả, dịch giả và các đơn vị làm sách chân chính. Là một trong những lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, nếu không sớm xử lý tốt vấn đề liên quan đến bản quyền, ngành Xuất bản khó có thể tiến xa.
Mối đe dọa lớn
Từ năm 2004, Việt Nam trở thành thành viên của Công ước quốc tế Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, thế nhưng cho đến nay, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả vẫn tràn lan. Không chỉ đối mặt với nạn sách lậu, khi công nghệ số bùng nổ kéo theo sự phát triển của các loại hình sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook)... thì vấn đề vi phạm bản quyền càng nghiêm trọng, nan giải hơn.
Gần đây, trên facebook cá nhân, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương liên tục đăng tải thông tin liên quan đến tác phẩm của anh - cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” đã "được" khai thác phiên bản ebook trên Waka.vn từ 3 năm nay mà tác giả không hề hay biết. Không xin phép, không ký hợp đồng, không trả tác quyền, ngay cả khi tác giả và Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam - đơn vị đang ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền xuất bản tác phẩm này - cùng “ngỏ lời” thì phải sau rất nhiều bài viết lên tiếng quyết liệt cùng sự ủng hộ của cộng đồng mạng, đến thời điểm này, Zgroup (đơn vị ký hợp đồng ban đầu với tác phẩm) và Waka mới khẳng định “không có ý định cố tình khai thác trái phép tác phẩm, tuy nhiên cả hai bên đều đã có những sơ sót trong quá trình kiểm tra thông tin, theo dõi và thực hiện dẫn đến việc vô ý gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả”.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Waka bị “tố” vi phạm bản quyền. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Võ Thu Hương... từng rất bức xúc khi tình cờ biết được bản ebook tác phẩm của mình bị kinh doanh trái phép trên nền tảng đọc sách điện tử lớn bậc nhất tại Việt Nam này. Song, Waka chỉ là một trong rất nhiều nền tảng đọc sách điện tử nở rộ trong những năm gần đây. Với công nghệ số hiện nay, chỉ cần một chiếc máy tính, máy ảnh hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh là ai cũng có thể tạo ra một bản ebook của cuốn sách. Với các công cụ tìm kiếm hiện đại, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tìm ngay được bản ebook giá siêu rẻ, thậm chí miễn phí. Càng là sách best-seller thì càng dễ tìm kiếm ebook, audiobook. Đã và đang có nhiều địa chỉ website đăng tải công khai các ebook không bản quyền nhằm thu phí hoặc tính lượt truy cập để phục vụ mục đích kinh doanh quảng cáo, nhiều nhóm đọc chia sẻ cho nhau các link download (tải xuống) sách điện tử miễn phí, những “kho” sách nói trong USB (thiết bị lưu trữ dữ liệu) được bán trái phép tràn lan trên mạng xã hội.
Vi phạm bản quyền sách trên internet đang là vấn đề "đau đầu", gây thiệt hại về kinh tế không chỉ cho đội ngũ tác giả, dịch giả và đơn vị làm sách mà còn gây ảnh hưởng xấu đến ngành Xuất bản Việt Nam. Dự thảo Đề án Phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của Hà Nội cũng đã chỉ rõ, khó khăn bậc nhất khi phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Thủ đô là tình trạng xâm hại quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả vẫn tiếp diễn phức tạp với nhiều cách thức tinh vi, đa dạng. Đây là mối đe dọa lớn với ngành công nghiệp văn hóa.
Gỡ rào cản phát triển sách điện tử
Nạn vi phạm bản quyền sách đã được gióng chuông báo động từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có “liều thuốc” đặc trị. Không như sách giả, sách lậu sau khi phát hiện có thể tịch thu tiêu hủy, với các ấn bản số, việc xử lý khó khăn hơn nhiều. Mặc dù các đơn vị làm sách như NXB Trẻ, NXB Phụ nữ Việt Nam, Nhã Nam, Alphabooks, First News... đều đã không ít lần phản ánh các vi phạm bản quyền tới các cơ quan chức năng, thế nhưng đều như “ném đá ao bèo” bởi chứng cứ chứng minh thiệt hại khó đong đếm đã đành, mà các địa chỉ website trá hình cứ khóa trang này lại có trang khác mở ra, còn với những chia sẻ bản ebook miễn phí từ chính độc giả thì các đơn vị xuất bản hoàn toàn bất lực.
Có thể nói, hiện nay, văn bản pháp lý về bản quyền đã khá đầy đủ. Luật Dân sự quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo. Luật Xuất bản khẳng định việc bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả. Luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả. Luật Hình sự có khung hình phạt cho hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nhưng việc thực thi luật không đơn giản với các ấn bản điện tử. Có nhà văn từng chia sẻ ý định kiện hãng Apple khi bắt gặp “đứa con tinh thần” của mình bị rao bán công khai trên ứng dụng của hãng này, nhưng sau đó đã sớm phải dừng lại bởi việc kiện một công ty nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, kéo theo nhiều thời gian, chi phí tốn kém.
Đại diện của các đơn vị xuất bản cho biết, với đội ngũ nhân lực mỏng, dù là tác giả hay nhà xuất bản, không thể thường xuyên tìm kiếm xem xuất bản phẩm của đơn vị mình có bị khai thác trái phép trên website nào hay không, lại càng khó hơn nếu tìm kiếm trên các mạng xã hội. Chưa kể, việc theo đuổi những vụ việc vi phạm bản quyền, ngay cả với những cá nhân, tổ chức vi phạm ở Việt Nam, cũng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc đã đem lại kết quả như mong muốn. Trường hợp cuốn sách của dịch giả Nguyễn Quốc Vương, sau nhiều thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ và nhiều bài viết đòi quyền lợi, mới đây phía Waka thông báo “Tổng doanh thu tác phẩm “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” trên hệ thống của Waka trong thời gian từ 16-10-2018 đến hết ngày 18-11-2021 là 376.190 VNĐ”. Như vậy thì số tiền “nhuận bút” mà tác giả được nhận có phải "không có còn hơn"?!
Đưa vụ việc ra công luận, với dịch giả Nguyễn Quốc Vương cũng như với nhiều nhà văn khác, không phải để đòi số nhuận bút chính đáng mà họ phải được hưởng, mà quan trọng hơn là yêu cầu việc tôn trọng bản quyền phải được thực hiện theo đúng pháp luật. Nếu mỗi tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản chỉ lặng lẽ gọi điện, gửi email để “đối tác bất đắc dĩ” gỡ bỏ ebook thì vấn đề bản quyền sẽ còn tiếp tục gặp khó. Nâng cao ý thức về bản quyền là điều cần sớm được thực hiện, theo đó, trước hết các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản cần cùng “lên tiếng” để bảo vệ tác phẩm, thậm chí sẵn sàng đi đến cùng mỗi khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, tránh tình trạng e ngại rắc rối, va chạm mà chỉ giải quyết phần ngọn. Về lâu dài, việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là độc giả trẻ, về quyền tác giả cần phải được chú trọng.
Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ độc giả coi việc đọc ebook, nghe audiobook miễn phí như một sự đương nhiên. Nhiều người còn “biện hộ” rằng đọc sách điện tử để thử, nếu hay thì mới mua sách. Với tư duy “đọc chùa” ấy, thị trường sách điện tử dù được đánh giá là tiềm năng thì cũng khó có thể “cất cánh”. Hiện có khoảng 15 đơn vị tham gia xuất bản, phát hành điện tử. Số lượng sách điện tử chỉ chiếm chưa được 10% trong tổng số đầu sách, đa số là các bản được số hóa từ bản sách đã in và phát hành.
Đại diện NXB Trẻ từng cho biết, đơn vị này phải bù lỗ cho mảng sách điện tử, còn Công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam thì từng phải “phó mặc” khi không đủ nhân lực để phát hiện và báo cáo các trang facebook công khai rao bán sách mà Nhã Nam đã mua bản quyền. Có ý kiến cho rằng, cần đưa kiến thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả vào hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học để nâng cao nhận thức về bản quyền. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả sẽ góp phần khuyến khích sáng tạo, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành Xuất bản và Công nghiệp văn hóa.
Mới đây, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập đã đặt ra trong thực tiễn sau 15 năm thi hành, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, qua đó khuyến khích các hoạt động sáng tạo và sử dụng tác phẩm phát triển.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động phát hành xuất bản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề. Cục đã cấp 4.515 giấy xác nhận đăng ký xuất bản (giảm 11%); cấp 5 Đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; hỗ trợ các nhà xuất bản: Phụ nữ Việt Nam, Văn hóa dân tộc, Kim Đồng, Công an nhân dân, Hà Nội, Tri thức để phát triển xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; đã cấp xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, dự kiến sẽ cấp xác nhận cho Nhà xuất bản Hà Nội, Kim Đồng, Tri thức trong tháng 12-2021.
Một số nhiệm vụ, đề án trọng tâm trong triển khai kế hoạch năm 2022 của Cục Xuất bản, In và Phát hành là phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, xây dựng nền tảng phát hành điện tử dùng chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.