Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngàn năm mãi vọng nguồn thi hứng

Thi Thi| 01/03/2010 06:59

(HNM) - Hôm qua (28-2), Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có một ngày xuân tưng bừng, hàng nghìn lượt người đã tới dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 - một lễ hội thơ đặc biệt với tiêu đề


Từ sáng ngày Rằm tháng Giêng, tại sân Thái Miếu, ngọn lửa thiêng do Hội Nhà văn Việt Nam rước về từ đất Tổ đền Hùng đã được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội châm lên Đài lửa lớn, chính thức mở đầu một lễ hội thơ ca đón Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi.

Một lễ hội thơ


Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị châm đuốc lên Đài lửa
khai mạc Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Linh Tâm

Thơ vốn là sự tự nguyện, riêng tư, ít nhiều cách xa với hình thức và nghi lễ. Nhiều người từng băn khoăn việc thơ ca đang được lễ hội hóa. Tuy nhiên, Đại lễ hội thơ ca chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có những lý do khiến cho phần “lễ” được chuẩn bị khá chu đáo, trang trọng trở nên ý nghĩa hơn với đất nước, với nền thi ca Việt Nam.

Ngọn lửa truyền thống xin từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, trên mảnh đất linh thiêng của các vua Hùng từ chiều 26-2, sau hành trình hơn hai ngày đã về tới sân Thái Miếu trước sự chào đón của hàng nghìn du khách và người yêu thơ. Rước lửa là hoạt động ý nghĩa: “1000 năm đã qua chỉ là một lát cắt của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đón Hà Nội bước vào ngàn năm tuổi cũng là lúc nhớ về cội nguồn, niềm tự hào và cũng là chất liệu, niềm cảm hứng của thơ ca Việt Nam” - Nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Không khí lễ hội tràn ngập, trải suốt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ Đại Thành, An Thành - nơi triển lãm vườn thơ đất nước, Thiên Quang Tỉnh với hàng trăm tác phẩm thơ trên gốm sứ, sân Thái Miếu có đài lửa và chương trình ngâm thơ cổ, tới sân nhà Thái Học với sân thơ trẻ mang tên “Chuyển động của cảm giác”. Đâu cũng rộn bước chân người yêu thơ, từ cao niên tới thiếu niên.

Ngàn năm thi hứng

Chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nổi bật ở tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8. Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội gợi lại nghìn năm văn học chữ viết của nước Việt ta, những áng thơ đã trở thành bất hủ. Ngày thơ Việt Nam lần này đã cố gắng gợi lại nguồn thi hứng lớn lao đó, như nguồn cổ vũ, như chất xúc tác cho những vần điệu tài hoa cất cánh.

Quang cảnh lễ hội thơ.  Ảnh: Linh Tâm

Đầu tiên là sự đồng điệu giữa gốm và thơ. 15 thi phẩm nổi tiếng của 15 tác giả, trong đó có những danh sĩ gắn liền với mảnh đất nghìn năm như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… nổi bật trên nền men gốm Bát Tràng, giữa hình hài tháp Rùa, chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng… những thắng cảnh lịch sử, văn hóa thân quen của người Hà Nội. Tĩnh tâm một chút, du khách cảm nhận những rung động với Hà Nội qua dòng thơ trên những lọ, những bình:“Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (Vũ Hoàng Chương), “Hà Nội đêm buốt tê/Mái buồn nghe sấu rụng” (Chính Hữu)...

Chia sẻ với Hànộimới, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Với tôi, Hà Nội luôn là một nguồn thi hứng lớn. Nghìn năm hay một nghìn không trăm lẻ bao nhiêu năm tuổi, Hà Nội vẫn cứ thúc giục ta nghĩ, viết. Ngay cả tập thơ tôi mới ra gần đây cũng vẫn là suy nghĩ, tình cảm của một người đang được sống, được nuôi dưỡng trong bầu không khí của Hà Nội. Các bạn trẻ viết từ Hà Nội, hãy sống và sống hết mình với đời sống của Thủ đô hôm nay và “thơ sẽ tràn trong tim ta khi cuộc sống đã thật đầy”.

Nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển, một người con của Hà Nội cho rằng nhà thơ phát biểu qua tác phẩm, ông minh chứng bằng sự tham gia nhiệt tình với cuộc thi thơ hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Báo Văn nghệ và Đài PT-TH Hà Nội tổ chức. Năm nay, người yêu thơ cũng có thể tìm thấy trên giá sách ấn phẩm “Nghìn năm thơ Việt” (NXB Văn học), do nhà thơ Gia Dũng tuyển chọn nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về nền thi ca Việt Nam qua 1000 năm.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 rõ ràng tinh thần “ngàn năm có một”, hướng về Thủ đô, ngoài ý nghĩa tiếp năng lượng cho nhà thơ còn là sự đáp ứng rộng rãi nhu cầu công chúng, tiếp nhận và chia sẻ với những phản hồi của bạn yêu thơ. Những gì diễn ra trong Ngày thơ mang lại đôi điều suy nghĩ. Sân thơ trẻ có nhiều nội dung hoàn toàn mới lạ với sân truyền thống như trình diễn, sắp đặt. “Thơ trẻ đã hồn nhiên trở lại, đã giải phóng cảm xúc riêng tư, con người; nhưng dường như còn thiếu chiều sâu trăn trở với đất nước, nhân loại” (nhà thơ Vũ Quần Phương). “Thơ đem lại sự tự tin cho đời sống tinh thần. Hãy lắng nghe những sáng tạo của thơ trẻ để hiểu hơn về họ” (Dương Thuấn, nhà thơ dân tộc Tày).

Giữa đất học Văn Miếu hôm qua còn một câu chuyện khác: thơ làng nhàng hiện quá nhiều, xuất bản dễ dãi và ồ ạt. Một mặt, điều đó thể hiện tình yêu, sự hồn nhiên, và cả sự háo danh; mặt khác, nó đặt ra yêu cầu quan tâm hơn tới thi ca. Theo nhà thơ Đặng Khánh Cường, Hà Nội hiện có khoảng 109 CLB thơ. Mặt bằng chung tuy không cao, song nếu ta quan tâm thì có thể tìm thấy những tài năng thi ca thực sự cho đất nước. Người Việt Nam rất yêu thơ, nhưng mọi nỗ lực đến với công chúng đều là vô nghĩa khi nàng thơ thiếu một chữ “hay”.

Lần đầu tiên có lễ hội thơ thiếu nhi
(HNM) - Chiều qua 28-2, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ hội thơ thiếu nhi do Ban Thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) và NXB Kim Đồng tổ chức. Đây là lần đầu tiên có lễ hội thơ thiếu nhi trong Ngày thơ Việt Nam. Lễ hội thơ thiếu nhi có nhiều hoạt động phong phú như thả diều thơ, biểu diễn ca khúc phổ thơ thiếu nhi; trình diễn thơ thiếu nhi, trong đó có tác phẩm mới của 7 tác giả trẻ… Tại sân thơ thiếu nhi, BTC trưng bày panô giới thiệu chân dung, tiểu sử, thơ của một số tác giả tiêu biểu như Võ Quảng, Phạm Hổ, Phan Thị Thanh Nhàn…


Hà Dương
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngàn năm mãi vọng nguồn thi hứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.