Kỹ năng sống

"Ngăn" học sinh vi phạm giao thông: Không "giơ cao, đánh khẽ"

Thống Nhất 25/12/2024 06:33

Học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang vào đợt cao điểm của kỳ kiểm tra cuối học kỳ I, sau đó sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Nhận định rằng, không khí bận rộn của những ngày cuối năm, nhất là vào tháng giáp Tết Nguyên đán, có thể khiến việc quản lý bị lơi lỏng, tình trạng học sinh vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông tăng, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã, đang tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trường học, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

giao-thong.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội phát tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Chu Dũng

Nhiều nguy cơ tai nạn giao thông

Tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông, bị thương vong khi tham gia giao thông luôn là chủ đề “nóng” ở nhiều diễn đàn với những lo lắng, bất an, nhất là với phụ huynh có con đang ở độ tuổi học phổ thông.

Mới đây, vào chiều 16-12-2024, trên quốc lộ 6, đoạn qua huyện Chương Mỹ xảy ra vụ va chạm giữa xe tải với xe máy chở 3 học sinh khiến 1 em tử vong tại chỗ, 2 em phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch... Đây chỉ là một trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có diễn biến phức tạp, gây nên những vụ tai nạn thương tâm. Trong tháng 10-2024 - tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh, qua tuần tra, kiểm soát, đơn vị đã phát hiện, xử lý hơn 7.600 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạm giữ gần 4.000 phương tiện các loại.

Các lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông... Lực lượng chức năng đã lập danh sách hơn 3.000 học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để giáo dục, xử lý theo quy định.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Việc làm thế nào để tăng cường ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đã được các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo bàn thảo, thống nhất giải pháp và duy trì triển khai. Trên thực tế, có những thời điểm, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh có chiều hướng giảm, tuy nhiên mức giảm chưa thực sự bền vững.

Là phụ huynh có hai con đang theo học tại các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hoài (ở số 176 phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên) cho rằng, việc phụ huynh buông lỏng quản lý, không nhắc nhở, giám sát thường xuyên các con khi tham gia giao thông, đặc biệt là giao xe mô tô khi con chưa đủ điều kiện lái xe đã “tiếp tay” cho tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông gia tăng.

Còn theo các chuyên gia, việc “giơ cao, đánh khẽ” trong xử phạt các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông là nguyên nhân khiến học sinh dễ tái phạm, đồng thời khiến không ít phụ huynh học sinh lơ là, coi nhẹ việc quản lý, giám sát cũng như thể hiện trách nhiệm khi con em mình tham gia giao thông. Trong khi đó, phía các nhà trường chưa thực sự sâu sát trong việc đánh giá cũng như nghiêm khắc áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật để răn đe.

Tại Hà Nội, nhiều năm nay, Công an thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cùng triển khai kế hoạch tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Ở từng cấp học, căn cứ độ tuổi học sinh và điều kiện thực tế tại địa phương, các nhà trường chủ động lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông vào các môn học, hoạt động chính khóa và ngoại khóa.

Nhằm tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 16-12 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, nhà trường tăng cường triển khai các hoạt động giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông cho học sinh.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cơ quan chức năng và nỗ lực của toàn ngành, sự hiểu biết và ý thức chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông của hầu hết học sinh đã có chuyển biến rõ rệt. Các nhà trường đều chủ động có sáng kiến, giải pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiên, để giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh một cách bền vững, việc cộng đồng trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình cũng như ý thức, trách nhiệm của mỗi học sinh vẫn là giải pháp cần kiên trì, nhất là trước, trong và sau dịp nghỉ Tết.

Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cần tập trung thực hiện tốt trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15-11-2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có việc đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thành một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa:

ph-hoa.jpg

Giúp học sinh hình thành thói quen tốt

Việc tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông với học sinh tiểu học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với nhà trường nhiều năm nay nhằm giúp các em hình thành nếp quen trong ý thức, hành động nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, trong đó có trật tự, an toàn giao thông từ khi nhỏ tuổi. Ý thức, nền nếp ấy sẽ ngày càng được hoàn thiện, phát triển khi học sinh lớn lên.

Nội dung giáo dục an toàn giao thông được nhà trường triển khai lồng ghép vào các môn học như tự nhiên xã hội, tiếng Việt, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm... Những kiến thức được ưu tiên hướng dẫn với học sinh tiểu học là việc nhận biết đèn tín hiệu giao thông; cách sang đường khi đi bộ; quy định phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe của bố, mẹ... Ngoài ra, nhà trường phối hợp với cơ quan công an tổ chức trung bình 2 chuyên đề/học kỳ theo từng chủ đề, trong đó đầu năm học tập trung phổ biến, giáo dục học sinh kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông; cuối học kỳ I ưu tiên nhắc nhở học sinh về việc tham gia giao thông dịp nghỉ lễ, Tết...

Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy):

thi-cuc.jpg

Gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sau các đợt cao điểm ra quân rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm, ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của hầu hết học sinh có chuyển biến rõ. Việc nhắc nhở, quản lý, giám sát con thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông cũng trở thành đề tài thường xuyên hơn trong các gia đình, cho thấy trách nhiệm của phụ huynh nhằm cải thiện tình hình giao thông.

Để giảm tình trạng học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như sự kiên trì giáo dục của nhà trường, từng phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành pháp luật. Các phụ huynh cần kiên quyết không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phụ huynh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không nên chỉ tập trung vào tháng cao điểm.

Em Nguyễn Ngọc Uyên Khánh, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông):

uyen-khanh.jpg

Chung sức xây dựng văn hóa giao thông

Về cơ bản em thấy các bạn ở trường đều tuân thủ quy định về trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, em vẫn rất lo lắng khi có trường hợp hy hữu, học sinh nghiêm chỉnh tuân thủ quy định về trật tự, an toàn giao thông nhưng vẫn gặp rủi ro đáng tiếc khi di chuyển trên đường. Em mong cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, quyết liệt xử phạt các trường hợp vi phạm để mọi người dân đều có ý thức nghiêm túc chấp hành quy định chung, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Với học sinh, ngoài việc bản thân luôn duy trì ý thức, thói quen tôn trọng quy định trật tự, an toàn giao thông, em cũng cố gắng là tuyên truyền viên trong gia đình, tại cộng đồng để cùng chung sức xây dựng văn hóa giao thông. Em cũng được các thầy, cô giáo thông tin về các quy định tại Nghị định số 151/2024/ NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1-1-2025, trong đó có nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Ngăn" học sinh vi phạm giao thông: Không "giơ cao, đánh khẽ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.