Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng "vào mùa" chiều người gửi

Hà Linh| 13/10/2018 07:44

(HNM) - Triển khai nhiều chương trình ưu đãi với khách hàng gửi tiền, tăng lãi suất huy động... là những cách mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng để thu hút thêm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay ngày càng cao vào thời điểm cuối năm.


Cùng với nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp tăng cao vào thời điểm cuối năm, khi chỉ còn ít thời gian nữa là kết thúc năm 2018, các ngân hàng cũng đang chịu áp lực của tỷ giá liên tục tăng và tình hình thanh khoản. Những tháng cuối năm vốn được coi là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp nên nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng sẽ tăng. Do đó, các ngân hàng thương mại buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn giải tỏa bớt áp lực. Tuy nhiên, mức lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh không lớn, chỉ tăng khoảng 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng lãi suất 0,2%/năm đối với một số kỳ hạn, lên 4,3%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng; 5,3%/năm (6 tháng); 6,6%/năm (kỳ hạn từ 1 năm trở lên). Các kỳ hạn 3 tháng và 9 tháng giữ nguyên ở mức 4,6%/năm và 5,5%/năm.

Đối với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng được điều chỉnh tăng 0,2%/năm so với trước lên 4,5%/năm. Một số kỳ hạn khác cũng tăng, như kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,8%/năm, 6 tháng tăng lên 5,5%/năm.

Những ngân hàng khác cũng không đứng ngoài cuộc khi thay đổi biểu lãi suất huy động. Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng từ 6,4%/năm lên 6,8%/năm; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) áp dụng lãi suất 7,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn khách hàng gửi tiền. Chẳng hạn như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lên, với kỳ hạn từ 6 tháng, sẽ được nhân đôi lãi suất trong tháng đầu. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng của VIB là 7,2-7,3%/năm, 36 tháng: 7,7%/năm.

Mặc dù các ngân hàng đều đang "rục rịch" tăng lãi suất, nhưng nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay chưa có nhiều biến động. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động VND đang phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,5-7,3%/năm trên 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay VND: 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. So với lãi suất cho vay VND, lãi suất cho vay USD thấp hơn nhiều: 2,8-6%/năm.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động VND khiến nhiều người lo ngại về khả năng lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trong thời gian tới. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi khó giảm vào cuối năm. Mức tăng lãi suất đầu vào dù không quá cao, nhưng vẫn sẽ gây áp lực lên lãi suất đầu ra.

Ngoài những nguyên nhân như nhu cầu vốn tăng, đồng USD tăng... khiến các ngân hàng phải điều chỉnh tỷ giá, lý do khác cũng có tác động mạnh tới việc tăng lãi suất của các ngân hàng là quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo lộ trình, đến đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ giảm xuống 40% từ mức 45% hiện nay, do đó các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn. Các chuyên gia đều cho rằng, 5% chênh lệch là tỷ trọng đáng kể, do đó nguồn vốn ngân hàng cho vay trung - dài hạn sẽ bị hạn chế, đặc biệt cho thị trường bất động sản. Đây cũng là lý do đẩy lãi suất huy động đi lên. Trong vòng 3 năm qua, tín dụng tăng trưởng mạnh (trên mức 20%), nhất là trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, dòng tiền cho vay lĩnh vực bất động sản (tức cho vay trung hạn) không còn xoay vòng nhanh như các năm trước. Bởi, lượng giao dịch bất động sản giá trị trên 5 tỷ đồng chững lại, khiến dòng tiền về ngân hàng gặp khó. Yếu tố này khiến ngân hàng buộc phải tăng huy động để đáp ứng nhu cầu thanh khoản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng "vào mùa" chiều người gửi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.