Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng Trung ương Châu Âu cắt giảm lãi suất: Con dao hai lưỡi

Thùy Dương| 12/03/2016 08:38

(HNM) - Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vừa nỗ lực một lần nữa để kích thích nền kinh tế trì trệ khá lâu của Lục địa già khi tuyên bố hạ lãi suất chính xuống mức kỷ lục và tăng quy mô chương trình mua trái phiếu.

Thị trường chứng khoán Châu Âu liên tục biến động sau thông tin ECB cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế.


Tại cuộc họp diễn ra ở thành phố Frankfurt (Đức), Chủ tịch ECB Mario Draghi thông báo: ECB đã giảm lãi suất cơ bản từ 0,05% xuống 0%, ngoài ra lãi suất cho vay thanh khoản cũng giảm từ 0,30% xuống còn 0,25%, trong khi lãi tiền gửi qua đêm đã giảm từ -0,3% xuống -0,4%.

ECB cũng sẽ chi thêm hàng chục tỷ euro để phục hồi nền kinh tế yếu kém kéo dài của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) bằng việc tăng lượng mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp từ mức 60 tỷ lên 80 tỷ euro/tháng, trên cả sự kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Thời gian thực hiện chương trình cũng sẽ được mở rộng qua tháng 3-2017. Các biện pháp trên sẽ làm giảm chi phí vay vốn, khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp và hộ gia đình vay để đầu tư, chi tiêu.

Lý giải về động thái mạnh tay này, Chủ tịch Draghi cho biết, triển vọng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu - cũng như các rủi ro địa chính trị - khiến kinh tế Eurozone khó phục hồi mạnh. ECB cũng đã dự báo tăng trưởng và lạm phát ở Eurozone trong năm 2016 xuống còn lần lượt 1,4% và 0,1%, giảm nhẹ so với trước. Thị trường chứng khoán khu vực này tăng điểm mạnh sau thông tin trên, nhưng chỉ trong vòng một giờ sau đó, gần như tất cả các thị trường Châu Âu đều giảm điểm và kết thúc với màu đỏ.

Lý do mà ECB hạ lãi suất cơ bản về mức dưới 0% về lý thuyết không quá khó hiểu. Bởi bất chấp những nỗ lực nới lỏng tiền tệ trước đó của ECB, nền kinh tế của Lục địa già tiếp tục không đạt được tốc độ tăng trưởng và mức lạm phát mà các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng. Nguy cơ giảm phát vẫn rình rập hàng loạt nền kinh tế trong EU. Trong tháng 1-2016, lạm phát tại khu vực này vẫn ở mức 0,4%, khá xa mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Số liệu này cũng cho thấy sự yếu kém của 19 nền kinh tế sử dụng đồng euro. Để cải thiện tình hình, không còn cách nào khác ngoài việc đưa lãi suất về mức âm.

Với việc điều chỉnh lãi suất, hai mục tiêu chủ đạo mà Chủ tịch ECB Draghi hướng đến là: Tăng cường xuất khẩu khi tỷ giá nội tệ bị giảm xuống sau khi lãi suất về mức âm và kích thích hệ thống ngân hàng tăng cường các khoản vay đầu tư vào nền kinh tế. Vì một khi lãi suất về âm, đó là điều kiện gần như hoàn hảo để các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các khoản vay. Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn phục hồi, thậm chí nguy cơ giảm phát vẫn rình rập, ngay cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì lãi suất âm gần như trở thành một giải pháp thời thượng được ECB cũng như các ngân hàng trung ương khác hướng đến.

Dù vậy, Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức Jens Weidmann vẫn luôn phản đối việc giảm lãi suất để tăng kích thích tăng trưởng kinh tế. Cùng quan điểm, ông Marco Valli - Kinh tế trưởng Khu vực đồng euro tại UniCredit Research cũng lo ngại ECB có thể "mắc kẹt" trong cuộc chiến lãi suất âm với Nhật Bản, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Theo ông Valli, nếu một tiền tệ mất giá, tiền tệ khác sẽ phải tăng, khiến tác dụng của các biện pháp kích thích biến mất. Thậm chí nó có thể trở thành một cú đánh chí tử đối với hệ thống tài chính tại các nước trong EU, nhất là hệ thống các ngân hàng. Áp lực đối với hệ thống ngân hàng khi lãi suất dưới 0% đến từ rất nhiều phía. Đầu tiên là người gửi tiền, khi lãi suất được đưa về mức âm dẫn đến việc người dân sẽ đua nhau rút tiền khỏi ngân hàng và đem về cất giữ tại nhà để tránh bị đánh phí.

Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể tạo thành làn sóng ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng, một tình trạng có thể dẫn đến sự nguy hiểm cho bản thân sự an toàn của các ngân hàng này. Áp lực thứ hai đối với hệ thống ngân hàng là đến từ phía chính phủ và ngân hàng trung ương. Về cơ bản, lãi suất âm chính là biện pháp đánh thuế vào hệ thống ngân hàng, buộc định chế này phải thúc đẩy cho vay nhiều hơn, từ đó kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế thông qua các gói đầu tư. Đặc biệt, lãi suất âm mà ECB đưa ra còn là một sự trừng phạt đối với các ngân hàng dư thừa tiền mặt nhưng lưỡng lự không muốn mở rộng tín dụng cho các ngân hàng yếu kém hơn.

Với sự lạc quan của ECB, các gói kích thích kinh tế có thể đủ tạo ra tác động tích cực lên thị trường tài chính và cả niềm tin kinh doanh trong Khu vực Eurozone. Dẫu vậy, cắt giảm lãi suất như một con dao hai lưỡi, nếu không có sự kiểm soát một cách chặt chẽ và cẩn thận, một kịch bản về sự khủng hoảng của hệ thống ngân hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Trung ương Châu Âu cắt giảm lãi suất: Con dao hai lưỡi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.