Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá rất kịp thời”

Thanh Hương| 12/08/2015 13:01

(HNMO) – Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lên 2% từ hôm nay rất kịp thời và đúng thời điểm khi mà  Trung Quốc giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ.

(HNMO) – Theo TS Nguyễn Trí Hiếu-chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lên 2% từ hôm nay rất kịp thời và đúng thời điểm khi mà  Trung Quốc giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ.


-Thưa ông, ông có bất ngờ không khi Trung Quốc vừa giảm mạnh giá đồng nhân dân tệ (NDT)?


-Tôi rất bất ngờ vì mới đây, theo tin tức của báo chí, Trung Quốc muốn đem đồng NDT vào rổ tiền tệ của những đồng tiền mạnh. Muốn làm như thế Trung Quốc phải chứng tỏ đồng tiền của mình ổn định, tăng trưởng tốt nhưng thật bất ngờ là quốc gia này lại phá giá đồng nội tệ, đặc biệt là giảm đến 1,9%-mức giảm mạnh nhất 20 năm qua.

Việc giá NDT giảm mạnh có tác động lớn đến toàn cầu. Ngay sau thông tin trên, một loạt đồng tiền khác cũng rớt giá, tức nhiều quốc gia khác cũng đối phó bằng cách giảm giá đồng nội tệ của họ xuống để cạnh tranh. Các thị trường chứng khoán đều chao đảo.

- Theo ông, mục đích việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc là gì?


-Mục đích của Trung Quốc về việc phá giá đồng NDT là muốn đồng NDT sát với cung cầu trên thị trường. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn lý do điều chỉnh tỷ giá là để hỗ trợ xuất khẩu. Năm nay xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại, tăng trưởng của họ cũng chậm lại nên họ bắt buộc phải điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế vì nền kinh tế Trung Quốc dựa rất nhiều vào xuất khẩu.

Trung Quốc được coi là một lò sản xuất hàng hóa cho cả thế giới. Nếu hàng hóa sản xuất ra mà không bán được sẽ rất nguy, nên muốn xuất khẩu trong bối cảnh sức cầu thế giới giảm, nền kinh tế thế giới tăng chậm lại, giá dầu giảm sâu, Trung Quốc không còn cách nào khác là phải điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.

-Đồng NDT bị phá giá mạnh ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?


-Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Trong thị trường xuất khẩu nhập, về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không quá nhiều, lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ, sau đó là EU, nhưng về nhập khẩu thì Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 20 tỷ USD.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Với mức nhập siêu lớn, Trung Quốc lại phá giá mạnh đồng nội tệ thì hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn khi vào thị trường Việt Nam, từ đó chắc chắn làm gia tăng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Bất lợi ở chỗ nhập siêu trên có thể tăng, nhiều hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam hơn nhưng mặt khác cũng có lợi bởi là mình nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, hàng Trung Quốc rẻ hơn thì tác động tích cực đến ngành nhập khẩu và công ty nhập khẩu. Tuy nhiên, về mặt xuất khẩu lại bất lợi. Khi đồng tiền mất giá thì hàng hóa của nước đó xuất sang các nước khác sẽ rẻ hơn. Đồng NDT mất giá với USD thì cũng mất giá với VND. Vì thế, khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị tăng giá khiến giảm khả năng cạnh tranh. Cán cân thương mại đã lệnh nay lại càng lệch.

NDT xuống giá cũng gây áp lực lớn đến tỷ giá tại Việt Nam vì thời gian qua Việt Nam “neo” tỷ giá VND/USD. Điều này gây khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

-Như vậy, thời gian tới, hàng Trung Quốc có thể sẽ tràn sang Việt Nam nhiều hơn, hàng hóa trong nước sẽ chịu sức cạnh tranh mạnh hơn. Theo ông, làm gì để hạn chế điều này?


- Về việc này, sáng nay NHNN đã nới biên độ tỷ giá từ +-1% lên 2%. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền người “Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Tìm thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng là một biện pháp. Tuy nhiên, điều này không dễ vì hàng hóa Trung Quốc có mẫu mã đẹp mà giá lại rẻ. Hơn nữa, Trung Quốc ở ngay sát Việt Nam nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, sản phẩm trong nước.

- Trở lại vấn đề tỷ giá, như vậy, NHNN đã quyết định nới biên độ tỷ giá lên 2% từ ngày 12/8, ông đánh giá thế nào về động thái này của NHNN?


-Tôi cho rằng, đây là động thái rất đúng và kịp thời của NHNN. Với việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đắt đỏ hơn, nhưng bất lợi đó phần nào đã được xử lý bằng việc NHNN nới biên độ tỷ giá; đồng thời cũng hỗ trợ cho xuất khẩu sang các thị trường khác. Việc NHNN nhanh chóng nới biên độ tỷ giá chứng tỏ tỷ giá đã chịu áp lực rất lớn.

-Từ giờ đến cuối năm tỷ giá VND/USD có điều chỉnh không, theo dự đoán của ông?

-Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng theo tôi áp lực về tỷ giá không mất đi. Lúc này NHNN đã trung hòa phần nào áp lực của tỷ giá nhưng với tình hình vĩ mô như hiện nay (nhập siêu, nợ công tăng, hàng hóa xuất khẩu không những khó tại thị trường Trung Quốc mà cả thị trường khác, đặc biệt là hàng thủy, hải sản) thì áp lực về tỷ giá vẫn còn mặc dù hiện áp lực đó đã giảm.

-Xin cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá rất kịp thời”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.