(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp, bằng việc tiết kiệm chi phí, gia tăng dịch vụ, nhiều ngân hàng thương mại vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt. Đến nay, mới chỉ có vài ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2021, song lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định, bên cạnh nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng có một năm hoạt động hiệu quả, đạt lợi nhuận khả quan bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tiếp tục chủ động
Báo cáo của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho thấy, năm 2021, tổng tài sản của TPBank tăng gần 42% so với đầu năm, bằng 117% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với chỉ tiêu; tổng thu nhập hoạt động tăng 30% so với năm 2020. Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, đơn vị đã áp dụng chính sách kích cầu với nhiều ưu đãi hấp dẫn để mở rộng khách hàng mới. TPBank sử dụng hiệu quả hạn mức tăng trưởng tín dụng 23,4% mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn nguy cơ, nợ cơ cấu lại theo quy định. Đặc biệt, ngân hàng đã triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ số, đáp ứng nhu cầu “không tiếp xúc” trong giai đoạn dịch bệnh.
Mặc dù thời điểm này, hầu hết các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021, song các dự báo đều cho rằng, các ngân hàng vẫn hoạt động hiệu quả, đạt lợi nhuận khả quan, tăng tổng tài sản, bảo đảm các hệ số an toàn... Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, năm 2021, các ngân hàng đạt hiệu quả kinh doanh nhờ chuyển đổi số, mở rộng dịch vụ, sản phẩm. Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép được giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã phần nào giúp cho lợi nhuận ngân hàng khả quan, bởi các ngân hàng không phải ngay lập tức trích lập dự phòng, mà được trích lập theo lộ trình.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2021, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, ngành chủ động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện qua các chỉ số tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với giá trị nợ lũy kế kể từ khi có dịch Covid-19 khoảng 607.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng...
Những dự báo khó khăn
Về dự báo năm 2022, theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng hoặc nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.
Không ít chuyên gia kinh tế dự báo, các ngân hàng lớn sẽ tăng lợi nhuận 30-35% trong năm 2022 nhờ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thu nhập từ phí và việc giảm trích lập dự phòng. Trong nhiều kịch bản về tốc độ phục hồi, điều kiện kinh doanh nhìn chung vẫn sẽ cải thiện trong năm 2022, giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế, thúc đẩy cung, cầu tín dụng. Hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng dẫn đến tốc độ lưu thông tốt hơn nhờ nhu cầu thanh toán và đầu tư, qua đó hỗ trợ tăng trưởng huy động tiền gửi. Tiền gửi bán lẻ tăng tốc, hỗ trợ tăng trưởng huy động ở các ngân hàng định hướng bán lẻ.
Rủi ro ngành Ngân hàng có thể phải đối mặt trong năm 2022 là hiệu ứng tiền gửi đột biến giảm dần. Chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động từ năm 2020 chỉ có thể đáp ứng tăng trưởng trong 1-1,5 năm, do vậy sẽ xuất hiện áp lực lên thanh khoản từ nửa cuối năm 2022. Việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn, do lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%... Ngoài ra, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn phải tiếp tục cơ cấu lại, xử lý nợ xấu…
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, bức tranh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2022 không được tốt như năm 2021 do độ trễ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, dự báo lợi nhuận toàn hệ thống tăng ở mức 15-20%.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở mức 14%, tương đương với mức trước dịch Covid-19. Điều này cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi tín dụng cũng như tín hiệu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2022, nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.