Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng duy trì lãi suất thấp: Thách thức lớn

Đức Anh| 18/04/2016 05:55

(HNM) - Sau cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động VND từ các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay đã nhích dần...


Trong tháng 3, lãi suất huy động VND bình quân tăng 0,06%/năm so với tháng 2, tăng 0,12%/năm so với đầu năm, lên 6,02%/năm. Lãi suất "đầu vào" biến động khiến lãi suất "đầu ra" cũng tăng 0,06% lên 9,42%/năm so với mức 9,36% của tháng 2, tăng 0,15% so với đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm cùng kỳ năm 2015.

Mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được định hướng và duy trì ở mức thấp hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: Khánh Huy


Theo Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), động thái tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng chạy theo xu hướng tăng lãi suất huy động trước đó. Thực tế là lãi suất huy động đã liên tục tăng trong mấy tháng gần đây. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng tác động tới lãi suất. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 18-20%, nên để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng sẽ phải tăng nguồn vốn huy động, đặc biệt là khi tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn trong hệ thống đã khá cao. Ngoài ra, lãi suất biến động còn do các yếu tố khác như lãi suất ở nhiều quốc gia được điều chỉnh tăng. NHNN "thắt" tín dụng trong Thông tư 36 với việc giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, nâng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản… cũng được coi là yếu tố gây ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất. Mặc dù tốc độ tăng lãi suất huy động vẫn chậm, nhưng khả năng lãi suất sẽ "tăng tốc" trong 6 tháng cuối năm có thể xảy ra, nên lãi suất cho vay tăng cũng là điều khó tránh khỏi. Dự báo, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 1% trong năm 2016.

Chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu: Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay rất khó, nhất là trong bối cảnh lạm phát năm nay sẽ tăng lên và áp lực điều chỉnh tỷ giá.

Lãi suất cho vay thay đổi theo chiều hướng tăng không nằm ngoài dự đoán và ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế vĩ mô. Đó là lạm phát đang tăng trở lại, mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp, nhưng khả năng sẽ cao hơn nhiều so với con số thấp kỷ lục của năm 2015. Cùng với đó, những lo ngại về rủi ro giảm giá của VND trong năm 2016 vẫn hiện hữu. Ngoài ra, một số diễn biến của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua cũng thúc đẩy nhu cầu tăng cường huy động vốn, đặc biệt là tăng trưởng huy động (đạt 13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (đạt 17,3% trong năm 2015) kéo theo tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động của một số ngân hàng ở mức khá cao.

Theo Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), NHNN vẫn còn nhiều dư địa chính sách và biện pháp điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Hơn thế, khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được định hướng và duy trì ở mức thấp hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, mặt bằng lãi suất trong cả năm 2016 dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 50 điểm cơ bản (tức tăng thêm khoảng 0,5%).

Tuy nhiên, lãi suất tăng hay giảm còn phụ thuộc vào thị trường. Trong điều kiện ngân hàng vừa phải lo lãi suất ngắn hạn, trung - dài hạn, trái phiếu DN, trái phiếu chính phủ, nên lãi suất chịu áp lực lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất chưa có nhiều biến động, nhưng diễn biến lãi suất huy động trên thị trường đã manh nha cho cuộc "chạy đua ngầm". Nếu cuộc đua này tiếp tục diễn ra sâu rộng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay mới sẽ được thiết lập, rủi ro sẽ đến với DN và người dân khi vay tiền ngân hàng. Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra thông tin: Lãi suất sẽ tăng khoảng 1% trong năm 2016, nhưng vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Rõ ràng là các chuyên gia đều dự báo lãi suất tăng nhẹ, chưa có dấu hiệu về một cuộc đua gay gắt về lãi suất, nhưng ngay cả khi lãi suất chỉ nhích một chút cũng sẽ gây khó khăn cho DN vốn đã chịu áp lực từ cạnh tranh do xu hướng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao, bởi vậy DN trong nước sẽ khó giành lợi thế với DN nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng duy trì lãi suất thấp: Thách thức lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.