Mô hình tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã góp phần tích cực vào việc triển khai thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước.
Đây là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả, sự phù hợp của mô hình tổ chức và hoạt động hiện nay của Ngân hàng CSXH.
Thủ tướng lưu ý, Ngân hàng CSXH cần tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.
Ngân hàng CSXH được thành lập theo Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Ngân hàng CSXH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc xây dựng Ngân hàng Chính sách xã hội là điều kiện để mở rộng thêm các đối tượng phục vụ là hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách cần vay vốn để giải quyết việc làm, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và các tổ chức kinh tế, cá nhân hộ sản xuất, kinh doanh thuộc các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, Bộ máy quản trị của Ngân hàng CSXH bao gồm: Hội đồng quản trị tại Trung ương, 64 Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, thành phố và hơn 660 Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp quận, huyện. Bộ máy điều hành của Ngân hàng CSXH được thành lập ở cả 3 cấp đang tập trung chỉ đạo triển khai việc huy động vốn và cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tính đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm Hội sở chính ở Trung ương, Sở giao dịch, 64 chi nhánh cấp tỉnh,thành phố và 608 Phòng giao dịch cấp huyện, hơn 8.500 Điểm giao dịch tại xã, phường.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH đang triển khai nhiều giải pháp, phát huy kết quả bước đầu, khắc phục một số tồn tại, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thật sự trở thành lực lượng kinh tế hữu hiệu trên mặt trận xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.