(HNM) - Vì sao hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em đã tương đối đầy đủ, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị dư luận lên án gay gắt, bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc nhưng tình trạng này chưa giảm?
Chưa đủ sức răn đe
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ với khoảng 5.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phổ biến ở độ tuổi từ 17 đến 40, đang thất nghiệp hoặc làm nghề tự do. Cá biệt, một số người có tri thức, nghề nghiệp ổn định cũng lợi dụng công việc để xâm hại trẻ em. Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em không có gì mới, song, do trẻ không đủ khả năng tự vệ, phòng tránh nên dễ dàng trở thành nạn nhân.
Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Thái Hiền |
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, trẻ em gái có nguy cơ bị xâm hại tình dục nhiều hơn trẻ em trai. Số trẻ em gái từ 12 đến 15 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 57,46% tổng số vụ xâm hại. Đáng chú ý, số trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ 13,2% và có rất ít vụ bị đưa ra xét xử. Năm 2017, cả nước xảy ra hàng trăm vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng mới có 10 vụ được đưa ra xét xử. “Khi nào các vụ án xâm hại tình dục còn bị “chìm xuồng” thì khi đó những người có âm mưu hoặc có hành vi phạm tội còn nhởn nhơ, coi nhẹ luật pháp”, bà Nguyễn Vân Anh khẳng định.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Khổng Ngọc Oanh, Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa bị đưa ra xét xử là do nạn nhân và người thân không dám tố giác hoặc tố giác muộn; chấp nhận dàn xếp, xử lý nội bộ. Nạn nhân còn nhỏ tuổi, bị dư chấn bởi hành vi xâm hại nên lời khai thường thiếu chính xác, hoặc khai theo ý của người giám hộ nên rất khó thu thập tài liệu chính xác. Với những vụ việc xảy ra ở nơi vắng vẻ, phát hiện muộn, việc thu thập, xác định dấu vết có giá trị chứng minh hành vi phạm tội càng khó khăn hơn… Về phía cơ quan điều tra, do áp lực sợ oan sai nên có tình trạng quá thận trọng, cầu toàn trong việc đánh giá, sử dụng chứng cứ. Ngoài ra, theo luật sư Ngô Anh Tuấn, Văn phòng luật sư ANT, hệ thống pháp luật hình sự còn có kẽ hở trong việc xử lý hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, là nguyên nhân khiến một số vụ việc chưa bị xử lý hoặc xử lý quá nhẹ.
Tăng nặng hình phạt
Người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em thường có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, các vụ việc diễn ra âm thầm, rất khó phát hiện. Do đó, để đẩy lùi tình trạng này, cách tốt nhất là người bị hại chủ động đấu tranh, phòng ngừa. Bà Nguyễn Phương Liên (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) cho biết, nhà trường, phụ huynh và học sinh phải tạo thành thế “kiềng ba chân”. Mọi thông tin về học sinh, nhất là những em có biểu hiện bất thường, đều được nhà trường trao đổi với phụ huynh và ngược lại để có thể đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Song song với công tác phòng ngừa, nhiều ý kiến kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật nhằm tăng sức răn đe. Ông Hoàng Ngọc Tuyên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng tình với kiến nghị này, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) hay Bộ luật Hình sự năm 2015 (phải hoãn thi hành do có nhiều sai sót) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 có rất ít điều khoản xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, trong khi đây là loại tội phạm khá phổ biến, có xu hướng gia tăng. Đáng nói hơn, khái niệm “dâm ô” trong các quy định của pháp luật còn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc xử lý.
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, Bộ luật Hình sự nên có quy định cụ thể về hành vi “dâm ô”; giảm độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với tội dâm ô trẻ em. Người phạm tội liên quan tới trẻ em phải chịu thêm các hình phạt như không được hành nghề liên quan đến trẻ em; không được tiếp cận với trẻ em trong phạm vi nhất định; bị công khai thông tin phạm tội tại cộng đồng… “Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, tội dâm ô chỉ áp dụng cho người đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội dâm ô không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh này. Trên thực tế, có những trường hợp “lách luật” bằng cách cho người đủ 16 đến dưới 18 tuổi chịu tội thay để không bị xử lý hình sự. Để khắc phục kẽ hở của pháp luật, việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội danh dâm ô là hợp lý”, luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, hiện nay việc phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng còn có khá nhiều bất cập. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sớm quan tâm, giải quyết những bất cập này, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.