(HNMO) - Chuẩn bị diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, vấn đề đơn tố cáo, trò “ném đá giấu tay” lại nổi cộm, gây nhiều khó khăn cho công tác rà soát nhân sự ở cơ quan, đơn vị, địa phương, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân cán bộ, tổ chức Đảng. Ngăn chặn hành động phá hoại bầu cử nêu trên trước hết đòi hỏi sự tỉnh táo của mỗi người khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội.
1. Công tác nhân sự nói chung, nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước luôn là nguồn thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu, đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm mưu đồ chính trị thâm độc.
Hiện nay, do các cơ quan chuyên môn đang tổ chức điều tra, xác minh, rà soát nhân sự cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 nên nhiều đơn vị, địa phương chưa công bố số lượng, vụ việc tố cáo bằng đơn, thư một cách cụ thể. Tuy nhiên, một vài vụ việc đơn tố cáo sai sự thật thời gian trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã cho thấy tính phức tạp của hiện tượng này.
Nổi cộm nhất là trường hợp Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giam Hoàng Minh Tuấn (trú huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi vu khống vào hồi tháng 9-2020 do tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk "đạo" luận án tiến sĩ. Sau khi mở rộng điều tra, ngày 25-9-2020, công an đã bắt khẩn cấp Phạm Đình Quý (39 tuổi, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng) vì “phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác”. Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, hai cá nhân trên đã khai nhận hành vi phạm tội.
Trước thềm đại hội đảng bộ các cấp ở tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đảo, lãnh đạo các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc và Trung ương nhận được nhiều đơn, thư nặc danh tố cáo một số lãnh đạo huyện Tam Đảo. Sau một thời gian điều tra, ngày 17-9-2020, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo vì có hành vi vu khống nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo huyện Tam Đảo.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều sự việc điển hình mà cơ quan chức năng đã làm rõ thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là, ngay sau khi có đơn tố cáo phát tán trên mạng xã hội, các thế lực thù địch đã “té nước theo mưa”, có nhiều nội dung tuyên truyền bịa đặt, vu khống.
Nhẹ thì “gặp gỡ”, trao đổi với các đối tượng thoái hóa chính trị, “trở cờ” trong nước để phân tích, bình luận và đưa ra các kết luận quy chụp, đại loại như Đảng bao che cho các hành vi sai trái của đảng viên. Hoặc chúng cho rằng, công tác nhân sự hiện sính bằng cấp, chuộng hình thức và dùng mọi thủ đoạn, mưu đồ để "tranh quyền đoạt ghế"...
Nặng hơn là chúng tổ chức thành các vệt tuyên truyền liên tục trên các trang web tiếng Việt mà máy chủ đặt ở nước ngoài và trên mạng xã hội rồi "lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong nước". Nhưng có lẽ tai hại nhất là từ đây danh tính cán bộ bị tố cáo và các mối quan hệ xã hội, gia đình, tình trạng kinh tế của họ bị khai thác triệt để bằng những ngôn từ “xấu không còn chỗ nói” để người đọc, người xem không thể tin tưởng, không bỏ phiếu để bầu. Càng nguy hại hơn là những suy diễn và quy chụp của chúng lại được nhiều người trong nước xem, chia sẻ, bình luận...
2. Đáng lưu ý là khi cơ quan chức năng làm rõ đúng sai, ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam các đối tượng tố cáo bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín cán bộ thì những trang web “đen” vốn tung “thông tin bẩn” trước kia lại im tịt và lờ đi như chưa hề có sự việc xảy ra.
Theo các chuyên gia, việc tổ chức “truyền thông bẩn” của các thế lực thù địch và bất đồng chính kiến nhằm nhiều đích. Trước hết là góp phần làm lung lay bản lĩnh, kích động nhân dân trong nước từ bỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp đó là thu hút lượng người truy cập để làm quảng cáo vì lợi ích kinh tế; và cũng qua đây để thu hút kinh phí tài trợ cho các tổ chức khủng bố, tổ chức phản động, tiếp tục con đường chống phá cách mạng Việt Nam đến cùng.
Lâu nay, đơn, thư tố cáo, khiếu nại cả nặc danh và chính danh được nhiều người xem là "con bài" để giải quyết mâu thuẫn, thâm thù cá nhân, để hạ bệ, làm mất thanh danh và uy tín cán bộ. Ngoài những đơn thư tố cáo đúng sự thật thì tỷ lệ không đúng sự thật là khá lớn. Đặc biệt, những kẻ tố cáo sai sự thật thường chọn thời điểm đại hội đảng hoặc khi bầu cử để tung ra “bom thông tin” vu cáo, bịa đặt.
Để không bị mắc vào âm mưu của những kẻ quen thói “ném đá giấu tay” thì vấn đề quan trọng là cần phát huy tối đa vai trò của các cơ quan truyền thông. Cần tuyên truyền và làm rõ tính ưu việt của chế độ chính trị Việt Nam hiện hành, nhất là trong tổ chức bầu cử, một biện pháp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân rất tiến bộ của chế độ chính trị Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Cần tuyên truyền đề cao trách nhiệm công dân trong xây dựng đất nước, đặc biệt là lựa chọn người có đức, có tài, có tâm và có tầm, đủ năng lực đại diện cho cử tri để xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, liêm khiết và hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.
Để không có đơn, thư tố cáo nặc danh vào mỗi dịp bầu cử thì vấn đề tiên quyết cần thực hiện là phải thực hiện dân chủ một cách hiệu quả. Trong đó, phát huy tốt quyền làm chủ trong kiểm tra, giám sát của nhân dân, của cử tri từ cơ sở. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp thay vì thói quen nặng về tư duy quản lý, ban phát mang tính “xin - cho” vốn ăn rất sâu trong nhiều cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, gần dân, trọng dân và làm mọi việc vì dân bằng tâm nguyện thực sự trên tinh thần cống hiến của người cộng sản chính là hành động thiết thực nhất để hạn chế tối đa những mâu thuẫn, không gây ra cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng. Đây là lợi ích và cơ sở để xây dựng xã hội ổn định, phát triển phồn vinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.