Càng về thời điểm cuối năm, tình hình vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào nước ta càng có dấu hiệu phức tạp. Trong đó, nổi lên thời gian gần đây là tình trạng nhập lậu giống gia cầm vào Việt Nam.
Vấn đề đáng nói là tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay và việc ngăn chặn vẫn là bài toán khó khi những đối tượng vi phạm thường có thủ đoạn tinh vi để “qua mặt” lực lượng chức năng.
Hệ quả của tình trạng nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Nói cụ thể hơn, việc nhập lậu con giống không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, mà con giống kém chất lượng còn làm cho hộ gia đình, trang trại, gia trại, doanh nghiệp phải hứng chịu những hậu quả rất lớn và lâu dài, đặc biệt là khó kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Với tình hình hiện nay cũng như hệ quả của tình trạng nhập lậu giống gia cầm đã phân tích, nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn triệt để, hiệu quả thì ngành chăn nuôi rất khó để hướng đến phát triển chuyên nghiệp, bền vững.
Thực tế cho thấy, khâu giống trong sản xuất nông nghiệp nói chung quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Do vậy, nếu khâu giống trong nông nghiệp không làm tốt, đặc biệt là để tình trạng nhập lậu có "đất sống" thì chúng ta không thể hy vọng có năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như bảo đảm yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm nói chung và nhập lậu giống gia cầm nói riêng, các bộ, ngành chức năng và địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... Trường hợp phát hiện các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan, Ban Chỉ đạo 389 của địa phương cần tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý, không để dịch lây lan trên diện rộng; xác định nhanh các chủng vi rút cúm gia cầm và đánh giá hiệu lực các vắc xin đối với các biến chủng cúm gia cầm mới (nếu có).
Đặc biệt, để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới để thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo mật độ phù hợp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh; phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao và áp dụng phần mềm quản lý giống tiên tiến để chủ động đánh giá, chọn tạo giống.
Ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm sẽ góp phần quan trọng cho ngành chăn nuôi phát triển chuyên nghiệp, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.