(HNM) - Hàng trăm nghìn bao thuốc lá nhập lậu đã bị các lực lượng chức năng như: Hải quan, Công an, Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, bắt giữ trong hai tháng đầu năm 2015. Số lượng thuốc lá khổng lồ bị bắt giữ cho thấy, hoạt động buôn lậu mặt hàng này đang diễn ra rất sôi động.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến nạn buôn lậu thuốc lá ngày càng phức tạp là do lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất cao, gấp 3-5 lần so với giá ban đầu. Việc tăng mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả lên mức 3.500 đồng/bao sẽ khuyến khích lực lượng chức năng đẩy mạnh chống buôn lậu và chống thất thu ngân sách nhà nước.
Cơ quan chức năng thu giữ thuốc lá lậu |
Muôn ngả thuốc lá nhập lậu
Cuối tháng 1 vừa qua, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Quảng Trị) đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng đêm tối dùng thuyền máy vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại từ Lào về Việt Nam qua sông biên giới Sêpon. 5.750 gói thuốc lá ngoại các loại (hiệu 555, Hero, Jet, George Karelias and Son) đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Tại khu vực các tỉnh phía Bắc, Quảng Ninh là một trong những "điểm nóng" của hoạt động buôn lậu thuốc lá. Thuốc lá lậu khá đa dạng về chủng loại với các nhãn hiệu: Gonghexinxi, Shuangxi, Zhenlong, 555 gold, Zest. Các đối tượng buôn lậu thường thuê người mang vác thuốc lá điếu qua biên giới, sau đó dùng xe máy vận chuyển qua hai bên cánh gà Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến hoặc giấu trên xe tải, xe khách để đưa về nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển thường với quy mô nhỏ lẻ (dưới 1.500 bao) để dễ tẩu tán tang vật và tránh bị xử lý hình sự…
Đầu tháng 1-2015, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) phối hợp với Tổ công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã tổ chức bắt quả tang vụ vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tại khu vực xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 300m. Tại hiện trường, do bị đột kích bất ngờ, các đối tượng đã bỏ chạy để lại hơn 52.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, 22 chiếc xe máy và 2 xuồng máy cao tốc. Lực lượng làm nhiệm vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tới, sinh năm 1972, là chủ mưu cầm đầu đường dây buôn lậu thuốc lá qua biên giới có thâm niên hơn 10 năm.
Tăng mức kinh phí chống buôn lậu thuốc lá
Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường cho biết, mặc dù lực lượng chức năng chống buôn lậu thuốc lá từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp phòng, chống buôn lậu thuốc lá nhưng kết quả còn hạn chế bởi lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu thuốc lá rất cao. Hiện nay, thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 65% (tương lai lên đến 75%), thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, đóng góp vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá 1%. Điều này dẫn đến giá thành của thuốc lá sản xuất trong nước cao hơn nhiều so với thuốc lá nhập lậu. Hoạt động buôn lậu thuốc lá do không phải nộp các loại thuế trên nên dễ dàng thu lợi lớn. Đơn cử, giá thuốc lá Jet và Hero nhập vào Campuchia chỉ khoảng 3.300 đồng/bao, trong khi nhập lậu và bán tại thị trường Việt Nam lên tới 18.000-20.000 đồng. Vì vậy, nếu không có sự kiểm soát nghiêm ngặt, khó có thể xử lý được nạn buôn lậu thuốc lá.
Để khuyến khích các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 16/2015/TT-BTC hướng dẫn về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả, có hiệu lực từ ngày 3-2-2015. Theo đó, các DN sản xuất thuốc lá sẽ đóng góp gây quỹ chống buôn lậu thuốc lá và gửi vào một tài khoản riêng tại ngân hàng do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đứng tên và quản lý. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ thêm cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả. Mức kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng kinh phí theo quy định từ quỹ là 3.000 đồng/bao 20 điếu, không phân biệt theo giá trị thuốc lá (cao cấp hay thấp cấp). Quỹ cũng hỗ trợ thêm 500 đồng/bao 20 điếu cho chi phí tiêu hủy thuốc lá lậu, thuốc lá giả, khuyến khích sử dụng các biện pháp tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Tuy nhiên, một báo cáo mới công bố hồi tháng 9 của Bộ Công thương cho thấy, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam đã vượt 1 tỷ gói. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ lực lượng chức năng chống buôn lậu thuốc lá, cần hỗ trợ kinh phí cho cả những người dân tại các "điểm nóng" buôn lậu nếu họ tham gia tố giác và bắt giữ tội phạm. Bên cạnh đó, cần sử dụng nguồn quỹ này để nghiên cứu nâng cao chất lượng và giảm giá thành thuốc lá nội địa sản xuất, giúp hàng sản xuất trong nước có thể cạnh tranh hiệu quả với thuốc lá nhập lậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.