(HNM) - Ngày 29-12-2014, Chính phủ đã họp hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015. Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã nhấn mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an ninh thông tin, bí mật nhà nước cần được đặc biệt quan tâm. Ý kiến của Bộ trưởng Trần Đại Quang là một thực tế bức xúc đang đặt ra, cần được xử lý đồng bộ trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Hơn 15 năm trước, internet đã vào Việt Nam. Coi đây là một thành tựu của chung nhân loại, một phương tiện rất quan trọng trong quá trình hội nhập, Nhà nước ta đã mở cửa cho internet phát triển, thậm chí từ chủ trương "quản lý được đến đâu mở cửa đến đấy" đến đi tắt đón đầu "phát triển đến đâu quản lý đến đấy" đầy cởi mở. Với những chủ trương, chính sách như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của khu vực. Hiện nay, có 50% dân số cả nước biết về tin học, 35% dân số đã sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong đời sống, trong đó 20% dân số đã dùng internet để đọc báo, trao đổi thông tin. Chưa có một cuộc thăm dò riêng nhưng giới chuyên gia đánh giá rằng 35% tri thức mới thu được trong lớp trẻ hiện nay là từ nguồn internet.
Rõ ràng chủ trương của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển vì internet rất có lợi, cái lợi đó ai cũng thấy. Giờ đây, không chỉ cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp mà với nhiều người dân, internet không thể thiếu trong đời sống. Nhưng bên cạnh mặt tích cực,
internet cũng có vô số mặt tiêu cực khi người sử dụng nó mang ý đồ xấu. Bên cạnh những thông tin có ích là rất nhiều thông tin bạo lực, kích dục, lừa đảo, tuyên truyền lối sống đồi trụy… Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ là những thông tin độc hại, xuyên tạc, hạ thấp uy tín cá nhân, lung lạc nhân tâm, gây nghi ngờ mất đoàn kết nội bộ, khoét sâu vào những yếu kém, làm suy giảm niềm tin với Đảng và Nhà nước, chống phá chế độ… của những kẻ bất mãn, thù địch. Những đối tượng này triệt để lợi dụng các tiện ích của công nghệ thông tin hiện đại như rẻ tiền, gọn nhẹ, có thể nặc danh, tán phát thông tin nhanh và dễ dàng, cùng một lúc có đông công chúng… để tác động vào người đọc, nhất là giới trẻ. Người ta thấy những thông tin độc hại này thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội, trên blog cá nhân, trên phần phản hồi (comment) các báo điện tử, đôi khi thành từng đợt, thành phong trào kiểu "đánh hội đồng", "cả vú lấp miệng em". Những thông tin độc hại, bịa đặt thường nặc danh, khó đoán biết, thả sức kích động, nhục mạ người khác, đầy hằn học và vô trách nhiệm.
Những thời điểm trước các kỳ đại hội, những dịp bầu cử, ứng cử, những dịp kỷ niệm lớn… những thông tin độc hại này càng nhiều. Chúng len lỏi vào từng ngõ ngách, tìm đến từng người, kích động những nơi sâu kín trong tâm tư, như một đội quân tư tưởng vô hình nhưng rất đông đảo, thường trực và rất nguy hiểm. Năm 2015 là năm chẵn của nhiều ngày kỷ niệm lớn, năm bản lề thực hiện Nghị quyết XI và nhất là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc XII, đây là thời điểm quan trọng của đất nước, do vậy, các thế lực thù địch, những kẻ bất mãn, khác quan điểm sẽ lợi dụng để tung tin, kích động, chống phá về mọi mặt, nhất là lĩnh vực dư luận, tư tưởng.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành thông tin - truyền thông, công an, chính quyền, các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân để ngăn chặn các thông tin độc hại này không phải là hạn chế tự do báo chí mà là một việc làm cần thiết để bảo vệ lẽ phải và chủ quyền thông tin của mỗi người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.