Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn ''lạm thu'' trong trường học

Bắc Vũ| 11/10/2022 06:06

(HNM) - Cứ vào dịp đầu năm học mới, câu chuyện về các khoản thu trong trường học lại rộ lên, thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề sẽ không có gì đáng nói, nếu việc thu - chi được thực hiện đúng quy định, trên tinh thần tự nguyện, tất cả vì mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập…

Thực tế thời gian qua, tình trạng “lạm thu” đã xảy ra ở một số nhà trường, đặc biệt có những khoản thu rất vô lý, gây bức xúc với phụ huynh học sinh. Đơn cử, một số nhà trường đã yêu cầu phụ huynh đóng góp “tiền bàn ghế, tiền bảng, tiền mua rèm cửa”, rồi cả tiền xây dựng trạm biến áp… Nực cười hơn là có trường học còn mạnh dạn “sáng tạo” ra những loại phí mới như tiền thuê máy tính, tiền điểm danh bằng vân tay… 

Rồi còn có chuyện thu “phí bôi trơn” để chọn giáo viên dạy tốt… 

Nhiều khoản thu vừa “độc” vừa “lạ” kể trên đã bị dư luận phê phán nghiêm khắc khi được cơ quan truyền thông hoặc phụ huynh học sinh phản ánh. Các đơn vị liên quan đã vào cuộc nhắc nhở, ngăn chặn, yêu cầu chấn chỉnh và buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu - chi tài chính trong trường học.

Phải khẳng định một lần nữa, trường học là nơi để đội ngũ nhà giáo truyền thụ kiến thức và dạy đạo làm người cho học sinh. Vì thế, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không được để xảy ra những hành vi tiêu cực, nhất là việc “lạm thu”, làm ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn “lạm thu” trong nhà trường. Theo đó, tại Hà Nội, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao).

Trên bình diện chung, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan có thẩm quyền. Tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Để ngăn chặn “lạm thu”, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra là ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, tuyệt đối không được thu các khoản không đúng quy định. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Lưu ý là đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Giáo dục cần tăng cường hướng dẫn công tác thu - chi tài chính trường học theo đúng quy định; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học, kịp thời chấn chỉnh tình trạng “lạm thu” và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm (nếu có).

Việc xã hội hóa hoạt động giáo dục cần được khuyến khích vì mục đích để học sinh có nơi học tập tốt hơn. Nhưng trên hết, việc làm này phải đúng pháp luật, tuyệt đối không được lợi dụng để thu những khoản bất minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn ''lạm thu'' trong trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.