Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 tại nước ta là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Những con số này cho thấy, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại nước ta tăng trưởng mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử một cách hiệu quả, bền vững. Thế nhưng, thực tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế; phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi…
Trước những diễn biến phức tạp trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6-6-2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm thương mại điện tử, chúng ta phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa; không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước hết, cơ quan chức năng phải tăng cường những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các sàn, gian hàng trực tuyến. Từ đó kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, bảo đảm kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Điều này không chỉ góp phần chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và quản lý thuế nói riêng.
Một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; trong đó, tăng cường cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử. Cùng với đó là kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần chuyển cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về phần mình, người tiêu dùng cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng; bảo đảm rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm.
Khi các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử cùng chung tay với các cơ quan chức năng của Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm những gian lận thì chắc chắn, thương mại điện tử sẽ phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.