(HNM) - Thực tế cho thấy, nhờ tinh thần đoàn kết vượt khó khăn gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Đời sống người dân được nâng lên, xã hội ổn định, phát triển về mọi mặt.
Tuy nhiên, khi hội nhập ngày càng sâu rộng, do ảnh hưởng từ mặt trái của kinh tế thị trường, vấn đề đoàn kết nội bộ ở nhiều nơi phần nào bị tác động, chi phối. Hậu quả của căn bệnh mất đoàn kết hết sức nguy hiểm, không chỉ làm suy yếu tổ chức Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền mà còn làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành và đặc biệt là gây ra hiện tượng mất ổn định cơ quan, đơn vị và xã hội. Đây được xem là một trong những nguyên nhân, là “mảnh đất” màu mỡ để hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ lây lan.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã nhận định: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”. Nghị quyết cũng chỉ rõ biểu hiệu “...gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền...”.
Xin nói thêm, mặc dù đã nhận ra sự thật về hiện tượng mất đoàn kết như đã nói ở trên nhưng điều đáng buồn là việc củng cố đoàn kết lại không hề đơn giản. Thực trạng “mũ ni che tai” ở nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở trước những vấn đề ngang tai trái mắt, làm sai quy định pháp luật và thẩm quyền hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng được xem là một trong những nguyên nhân giảm đi sức mạnh đoàn kết. Dường như tư tưởng “im lặng là vàng”, an phận với vị trí hiện tại để có cơ hội “vớt vát lộc trời” đã làm lu mờ tinh thần đấu tranh của không ít cán bộ, đảng viên. Thế là trong tổ chức và các cơ quan đơn vị xuất hiện hiện tượng “đoàn kết nửa vời”, “đoàn kết xuôi chiều”, “đoàn kết giả tạo”, “đoàn kết hình thức”. Một số chuyên gia gọi đó là hiện tượng “đoàn kết trên giấy” và “đoàn kết trên báo cáo”.
Vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) xảy ra năm 2017 cũng để lại bài học lớn về mất đoàn kết nội bộ âm ỉ kéo dài mà không được giải quyết triệt để. Theo cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2002-2013, một số cán bộ ở Đồng Tâm đã cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định. Đây chính là khởi phát cho hiện tượng khiếu kiện kéo dài và giải quyết không hiệu quả rồi dần thành phe cánh, trở thành điểm nóng tốn nhiều thời gian, công sức của lãnh đạo các cấp và ngành chức năng mới ổn định được tình hình… Hoặc cuối tháng 3-2019, trong phiên họp giải trình của HĐND thành phố Hà Nội “Về kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố” cho thấy vấn đề đoàn kết nội bộ đang bị chi phối mạnh bởi lợi ích. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian này các cơ quan chức năng đã xử lý 98 cán bộ, công chức và lao động hợp đồng thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng, khiến tình trạng khiếu kiện ở các địa phương tăng lên. Đáng lưu ý là trong số 98 trường hợp bị kỷ luật thì có 20 người là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó có 2 phó chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng, 11 phó phòng/đội phó...
Hay như sự việc gần 2 năm qua mà Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng chưa hoàn thành quy trình để bổ nhiệm 2 phó giám đốc sở bị thiếu trong khi có tới 5 ứng cử viên cho chức danh này. Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân là không đoàn kết và công tác xây dựng Đảng, cụ thể là công tác cán bộ kém nên dẫn đến sự lúng túng trong quy trình tổ chức cán bộ của Sở.
2. Như đã biết, đoàn kết là vấn đề vô cùng hệ trọng, quyết định sự thành, bại trong lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn gửi: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Trong thực tế, sau khi phân tích các vụ việc xảy ra, nhận thấy có 4 nguyên nhân chính dẫn đến “đoàn kết hình thức”, thực chất bên trong là mất đoàn kết nội bộ, gồm: Mâu thuẫn về lợi ích; lề lối, phong cách làm việc của cá nhân lãnh đạo và cơ quan, đơn vị thiếu nền nếp, khoa học; do thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, chế độ, chính sách, công tác cán bộ; do bố trí, sử dụng cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn. Để hạn chế mất đoàn kết nội bộ và để không còn tình trạng “đoàn kết hình thức” hay “đoàn kết trên giấy” và “đoàn kết trên báo cáo” thì vấn đề quan trọng là cần có các giải pháp hữu hiệu.
Trước hết là cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, tính đảng cho các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, luôn coi trọng củng cố, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ trì cần nêu gương và làm việc theo tinh thần “dĩ công vi thượng”, qua đó quy tụ sức mạnh tập thể nhằm xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Ngoài việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy cần chỉ đạo, kiểm tra để kịp thời phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn gây mất đoàn kết. Cùng với đó là thường xuyên tăng cường mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị và tổ chức Đảng, đẩy mạnh chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội để tăng cường sự đoàn kết thống nhất. Lưu ý là cần quán triệt phương châm “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” nhưng phải thấm đượm tính nhân văn trong phê bình và tự phê bình thì mới phát huy tác dụng.
Một công việc khác cũng không kém phần quan trọng là tiếp tục hoàn thiện quy chế lãnh đạo để xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người lãnh đạo. Chỉ khi nào lượng hóa cụ thể công việc và phân công, phân nhiệm rõ ràng mới khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và có cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Tiếp đến là tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của tổ chức Đảng cấp trên, nhất là chủ động phát hiện sớm những hiện tượng có biểu hiện mất đoàn kết để giáo dục, ngăn chặn kịp thời; không để vụ việc nhỏ trở thành mất đoàn kết nghiêm trọng. Đặc biệt, phải coi trọng phát hiện những mâu thuẫn “quay lưng” với nhau ở các chức danh chủ chốt, bởi sự rạn nứt, mất đoàn kết ở các chức danh này thường tác hại rất lớn.
Đoàn kết liên quan trực tiếp đến tính ổn định của cơ quan, đơn vị và tổ chức Đảng các cấp, là cơ sở để hạn chế các “nút thắt”, “điểm tắc” trong triển khai nhiệm vụ. Việc xác định mức độ mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng là trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. Nếu không kịp thời gỡ các mâu thuẫn, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên không đồng lòng nhìn về một hướng thông qua nhiệm vụ và chấp hành triệt để nguyên tắc hoạt động thì khó lòng có được tinh thần đoàn kết nguyên nghĩa, mà đó chỉ là đoàn kết hình thức, trên giấy và trên báo cáo.
Nếu đoàn kết nội bộ như một cái cây thì rất cần phải chăm bón kỹ lưỡng, thường xuyên “cắt lá, tỉa cành”, chăm chỉ “bắt sâu”, phòng bệnh. Có như vậy, "cây đoàn kết" mới tươi tốt, tỏa bóng mát, nở hoa, tạo hương thơm cho đời dài lâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.