Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn đầu cơ, khắc phục cơ chế xin-cho

V.A| 31/05/2010 20:07

(HNMO) – Ngày 31/5, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình Dự án Luật Khoáng sản. Qua nhiều lần chỉnh sửa, dự án luật này đã thể hiện nhiều thay đổi căn bản và quan trọng nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý hơn các nguồn tài nguyên.



Giá trị công nghiệp ngành khai thác khoáng sản chiếm hơn 10% GDP

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản, các mục tiêu phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010 đối với một số khoáng sản chủ yếu đã và đang đạt được những kết quả đáng kể, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước khi Luật Khoáng sản được ban hành, hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu do các tổng công ty, công ty của Nhà nước thực hiện tại các mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò bằng nguồn vốn của Nhà nước như apatit, quặng sắt, than, đá vôi, sét làm nguyên liệu xi măng, thiếc, antimon, vonfram v.v ... với số lượng khoảng gần 200 mỏ, khu vực khai thác trong cả nước được thăm dò, khai thác. Sau khi Luật Khoáng sản được ban hành, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được thực thi đã tạo điều kiện phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khoáng sản. Theo thống kê, giá trị công nghiệp ngành khai thác khoáng sản (trừ dầu khí) đã tăng từ 4,8% (năm 1995) lên đến trên 10% GDP hàng năm của Việt Nam trong những năm gần đây.

Đối với hoạt động thăm dò khoáng sản, từ năm 1990, Nhà nước đã có chủ trương không thực hiện công tác thăm dò khoáng sản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, sau khi Luật Khoáng sản ban hành, hoạt động thăm dò khoáng sản được thực hiện chủ yếu bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Theo thống kê, từ tháng 9 năm 1996 đến nay có 571 đề án thăm dò đối với trên 20 loại khoáng sản khác nhau được Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp để thực hiện. Ngoài ra, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản có hiệu lực, từ tháng 10 năm 2005 đến năm 2008 đã có 331 đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được thực hiện theo giấy phép của UBND tỉnh, thành phố.

Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, chỉ tính riêng các mỏ khoáng sản do cơ quan Trung ương cấp giấy phép, đến ngày 31 tháng 12 năm 2008 hiện có khoảng 350 mỏ/khu vực mỏ thuộc 10/12 nhóm khoáng sản và 68 điểm nước khoáng, nước nóng đang khai thác. Tính riêng cho khoáng sản rắn thì nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (sét xi măng, đá vôi xi măng, đá ốp lát các loại, đá phiến lợp, cát silic phụ gia xi măng, nguyên liệu phụ gia xi măng v.v…) chiếm tỷ lệ 36,96%. Nhóm khoáng sản nhiên liệu (than mỡ, than antraxit) chiếm tỷ lệ 22,11%. Nhóm khoáng sản nguyên liệu sứ, gốm, thuỷ tinh, chịu lửa, bảo ôn (kaolin, fenspat, sét gốm sứ, sét chịu lửa, đôlômit, quăczit, cát thuỷ tinh) chiếm tỷ lệ 15,84%. Nhóm khoáng sản kim loại cơ bản thông thường (thiếc, anitmon, đồng, chì - kẽm và nikel) chiếm tỷ lệ 4,29%. Nhóm khoáng sản sắt và hợp kim của sắt (sắt, mangan, crômit và wonfram) chiếm tỷ lệ 5,61%. Nhóm khoáng sản kim loại nhẹ (bauxit, ilmenit) chiếm tỷ lệ 7,59%. Nhóm khoáng sản nguyên liệu kỹ thuật (tacl, đá vôi trắng, các khuôn đúc, sét bentonit) chiếm tỷ lệ 4,29%. Nhóm khoáng sản quý hiếm (đá quý, saphia) chiếm tỷ lệ 0,66%. Nhóm khoáng sản hoá chất và phân bón (apatit, fluorit, secpentin) chiếm tỷ lệ 1,65% và nhóm khoáng sản kim loại quý (vàng) chiếm 0,99%.

Theo thống kê, đến tháng 6/2009, có 3.882 giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cho phép khai thác còn hiệu lực và đang thực hiện. Trong đó có 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT, than bùn; 16% là giấy phép khai thác loại khoáng sản khác, giấy phép khai thác tận thu thuộc các nhóm khoáng sản nêu trên.

Đối với hoạt động chế biến khoáng sản, phần lớn được thực hiện đồng thời với hoạt động khai thác khoáng sản. Các loại khoáng sản phổ biến có hoạt động chế biến đi liền với hoạt động khai thác như đá VLXDTT, sét gạch ngói, đá vôi, đá sét nguyên liệu xi măng, chì - kẽm, đồng, vàng, titan, thiếc. Hầu hết sản phẩm của hoạt động chế biến khoáng sản là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động chế biến sâu khoáng sản (sản xuất ra kim loại, hợp kim).

Thực hiện chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản dạng nguyên liệu thô, thời gian gần đây các doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu khoáng sản. Ngoài một số nhà máy đã được xây dựng từ trước khi có Luật Khoáng sản như: Gang thép Thái Nguyên, luyện thiếc thỏi tại Tĩnh Túc (Cao Bằng) và Quỳ Hợp (Nghệ An). Thời gian gần đây, nhiều dự án chế biến sâu khoáng sản đã và đang được triển khai xây dựng hoặc đã hoạt động. Các dự án này đã góp phần giảm đáng kể tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô, tăng giá trị khoáng sản sau khai thác, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Các nhà máy chế biến, chế biến sâu khoáng sản đang hoạt động có hiệu quả có thể kể đến Nhà máy kẽm kim loại sông Công (Thái Nguyên), nhà máy luyện vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), nhà máy luyện đồng kim loại Tằng Loỏng (Lào Cai), nhà máy ilmenit hoàn nguyên 3.000 tấn/năm (Quảng Trị), nhà máy Ilmenit hoàn nguyên 10.000 tấn/năm và nhà máy luyện xỉ titan 12.000 tấn/năm (Bình Định), nhà máy luyện antimon kim loại Mậu Duệ (Hà Giang)...

Về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, theo thống kê, từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực vào tháng 9/1996 đến hết năm 2008, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép chuyển nhượng, thừa kế, cho phép tiếp tục thực hiện quyền thăm dò, khai thác khoáng sản tổng cộng 1.031 giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong đó, có 640 giấy phép thăm dò khoáng sản, 387 giấy phép khai thác khoáng sản, 03 giấy phép khảo sát khoáng sản và 01 giấy phép chế biến khoáng sản.

Về phía Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; theo số liệu thống kê từ 60/63 báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 6/2009, có 331 giấy phép thăm dò và 3.882 giấy phép khai thác do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp đang thực hiện. Trong đó có 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT, than bùn, 16% là giấy phép khai thác loại khoáng sản khác, còn lại là giấy phép khai thác tận thu.

Các tỉnh cấp nhiều giấy phép khai thác là Bình Thuận (200 giấy phép), Vĩnh Long (155 giấy phép), Yên Bái (152 giấy phép), Cao Bằng (142 giấy phép), Lâm Đồng (136 giấy phép), Lai Châu (124 giấy phép), Nghệ An (126 giấy phép), Lào Cai (121 giấy phép), Thanh Hoá (101 giấy phép). Tuy nhiên cũng có tỉnh chưa cấp giấy phép khai thác (Bạc Liêu, Cà Mau), hoặc chỉ cấp 1, 2 giấy phép (Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Hưng Yên)...

Bổ sung 53 điều hoàn toàn mới

Theo tờ trình về Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) của Chính phủ, Dự thảo lần 6 Luật Khoáng sản (sửa đổi) có 87 điều được thể hiện trong 11 Chương. Trong đó có 53 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 34 điều được sửa đổi, bổ sung.

Thứ nhất, về những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 10), dự án luật sửa đổi bổ sung chính sách, nguyên tắc hoạt động khoáng sản nhằm thực hiện chủ trương “kinh tế hóa” lĩnh vực địa chất - khoáng sản; bổ sung quy định về chính sánh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; nguyên tắc hoạt động khoáng sản; quy định rõ quyền lợi nhân dân địa phương nơi có mỏ khoáng sản được khai thác; quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trả phí hoặc hoàn trả kinh phí Nhà nước đã đầu tư cho công tác đánh giá, thăm dò khoáng sản khi tham khảo, sử dụng tài liệu, thông tin về địa chất và khoáng sản thuộc sở hữu của Nhà nước.

Về bảo vệ tài nguyên khoáng sản (từ Điều 11 đến Điều 15), điểm mới trong Dự thảo Luật là đã quy định cụ thể nội dung, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 13); của tổ chức có liên quan và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân (Điều 12); trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác của các Bộ, ngành có liên quan (Điều 14) và quy định nhằm bảo đảm ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác (Điều 15).


Dự án luật mới sẽ góp phần hạn chế cơ chế xin-cho trong khai thác khoáng sản


Liên quan đến khu vực khoáng sản (từ Điều 20 đến Điều 24), dự án luật lần này đã quy định rõ tiêu chí xác định khu vực hạn chế, khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia (Điều 23, Điều 24); bổ sung quy định về khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (Điều 22) làm cơ sở xác định thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản, Quy hoạch khoáng sản (từ Điều 30 đến Điều 36), Dự thảo Luật đã bổ sung quy định liên quan đến Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng Quy hoạch khoáng sản nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch như hiện nay.

Đối với quy định về Quy hoạch khoáng sản, Dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật liên quan đến nguyên tắc, căn cứ và nội dung quy hoạch, đồng thời bổ sung quy định về việc điều chỉnh, lấy ý kiến và công bố Quy hoạch khoáng sản.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản bao gồm Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước do Bộ Công Thương chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các loại khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng; Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của địa phương được lập đối với các loại khoáng sản phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Về thăm dò khoáng sản (từ Điều 37 đến Điều 51), Dự thảo Luật bỏ quy định về cấp giấy phép khảo sát khoáng sản, thay vào đó để khảo sát thực địa, lựa chọn khu vực xin cấp giấy phép thăm dò, tổ chức, cá nhân chỉ cần báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có văn bản cho phép. Đồng thời, dự án luật đã luật hóa một số quy định liên quan đến diện tích khu vực thăm dò, dự án thăm dò; điều kiện tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản; bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia hoạt động thăm dò khoáng sản; điều kiện được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản để lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thăm dò khoáng sản; bổ sung quy định nội dung hồ sơ cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép thăm dò, hồ sơ thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản; bổ sung quy định việc chuyển nhượng giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ áp dụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò thông qua đấu giá quyền thăm dò - khai thác khoáng sản; trường hợp được cấp giấy phép không qua đấu giá thì không được chuyển nhượng quyền thăm dò nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng trong hoạt động khoáng sản.

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản qua thực tiễn thi hành Luật Khoáng sản thời gian qua. Trong đó bỏ quyền thừa kế quyền thăm dò khoáng sản (đối với cá nhân), quy định rõ việc thực hiện quyền của tổ chức kế thừa quyền thăm dò khoáng sản trong trường hợp thay đổi hình thức doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

Về khai thác khoáng sản (từ Điều 52 đến Điều 75), Dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia khai thác khoáng sản; điều kiện được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản; căn cứ, nguyên tắc cấp giấy phép khai thác khoáng sản; bổ sung quy định về thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản. Đồng thời luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 1996 quy định về khu vực khai thác khoáng sản; đóng cửa mỏ; trình độ, năng lực giám đốc điều hành mỏ; bổ sung quy định nội dung hồ sơ cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản…; Bổ sung quy định việc chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản chỉ áp dụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; trường hợp được cấp giấy phép không qua đấu giá thì không được chuyển nhượng quyền khai thác nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng “mua - bán” lòng vòng mà không đầu tư xây dựng để đưa mỏ vào khai thác; Bỏ quy định khai thác tận thu tại mỏ đã đóng cửa để thanh lý; Bỏ quy định về cấp giấy chế biến khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản hiện hành và lồng ghép hoạt động này vào hoạt động khai thác khoáng sản.

Dự luật cũng bổ sung một số nội dung mới hoàn toàn về tài chính khoáng sản và đấu giá quyền thăm dò - khai thác, đấu giá quyền khai thác khoáng sản (từ Điều 76 đến Điều 80) nhằm thể chế hóa chủ trương “kinh tế hoá” ngành địa chất - khoáng sản, hạn chế cơ chế “xin - cho”.

Về hình thức đấu giá trong hoạt động khoáng sản, Dự thảo Luật quy định hai hình thức, bao gồm: Đấu giá quyền thăm dò - khai thác khoáng sản và Đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là quy định mới, có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do là vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, Dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc và quy định thẩm quyền khoanh định, công bố khu vực đấu giá theo loại khoáng sản, phù hợp với thẩm quyền cấp giấy phép. Các vấn đề cụ thể sẽ giao cho Chính phủ quy định.

Đối với quản lý nhà nước về khoáng sản (từ Điều 81 đến Điều 84), Dự thảo Luật luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm quản lý ngành công nghiệp khai thác của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia (hội đồng có thẩm quyền); Bỏ quy định về việc cấp giấy phép khảo sát khoáng sản; lồng ghép nội dung chế biến khoáng sản (bản chất là phân loại làm giàu) vào nội dung giấy phép khai thác khoáng sản; Bỏ quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch. Đồng thời điều chỉnh theo hướng: đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố thì phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản….

Theo chương trình, Dự án Luật khoáng sản sẽ được QH thảo luận tại hội trường vào ngày 16/6 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn đầu cơ, khắc phục cơ chế xin-cho

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.