(HNMO) – Vòng quanh thế giới mới có thể chứng kiến được nhiều nền văn hóa rất đa dạng và đặc sắc mà điều này còn thấm nhuần vào cả những trang phục truyền thống, trong đó có lễ phục cưới. Hãy cùng xem những cặp cô dâu chú rể ở các nước mặc gì trong ngày lễ quan trọng nhất cuộc đời !
Ở nền văn hóa Ấn Độ, cô dâu thường chọn cho mình những bộ váy cưới màu hồng hoặc màu đỏ. Đặc biệt, những phụ nữ có chồng ở miền bắc nước này thường có dấu chấm đỏ giữa trán.
Nigeria là một đất nước rộng lớn với hơn 250 dân tộc và 500 ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy, nên đám cưới ở mỗi nơi sẽ thay đổi theo vùng miền, tôn giáo, tính chất dân tộc đó. Nhưng nhìn chung, tất cả các cô dâu ở nước này đều sẽ mặc váy sáng màu trong ngày trọng đại. Họ cũng sẽ đội một chiếc mũ truyền thống của Nigeria là mũ "Gele".
Trang phục cưới của Ghana thường rất màu sắc. Mỗi gia đình sẽ lựa chọn một kiểu màu và vải đặc trưng để phù hợp với cô dâu và chú rể.
Trong ngày cưới của người Mông Cổ, cô dâu chú rể thường phải mặc trang phục truyền thống được gọi là "Deel". Bộ lễ phục này thường được may theo khuôn mẫu đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ này tại Mông Cổ và các bộ lạc du mục ở Trung Á.
Trong lễ cưới truyền thống tại Nhật Bản, cô dâu thường mặc một chiếc kimono trắng tinh tượng trưng cho sự thuần khiết, trinh tiết. Sau đó, họ sẽ thay kimono màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn.
Tại Kazakhstan, cô dâu thường đội một chiếc mũ gọi là "Saukele" và khăn trắng trùm đầu. Mũ Saukele được chuẩn bị trong một thời gian dài trước khi cô dâu đủ tuối cưới.
Trang phục cưới của cô dâu ở vùng thung lũng Sacred, gần Cuzco, Peru. Bộ trang phục thường có màu tươi sáng và bao gồm cả áo choàng dệt, mũ tua rua và phụ kiện là dây cuốn eo nhiều màu. Đặc biệt ở lễ cưới, người ta sẽ làm riêng cho cô dâu chú rể một chiếc váy và một cái áo poncho (áo trùm đầu).
Lễ cưới của người Hutsul, Ukraina. Hutsuls là một bộ tộc thiểu số sống lâu đời tại dãy núi Carpathians. Ngoài trang phục cưới khá màu mè, lễ cưới tại đây cũng được tổ chức linh đình với những điệu nhảy, trò chơi, câu chuyện truyền thống.
Trang phục vùng Oas, Romania. Lễ cưới là một trong những sự kiện quan trọng tại vùng phía tây bắc Transylvania. Buổi lễ thường được tổ chức bởi hai bên bố mẹ, cô dâu chú rể với những nghi thức truyền thống trang trọng như chuẩn bị của hồi môn, trang phục, chọn mẹ đỡ đầu...
Đây là hình ảnh cô dâu ở vùng Gora (giữa biên giới Kosovo và Macedonia). Người dân vùng Gora thường theo đức tin Hồi giáo nhưng trang phục và truyền thống của họ chứa nhiều yếu tố ngoại giáo. Trong lễ cưới, cô dâu sẽ mang theo một con ngựa trắng được phủ khăn và trang trí với một chiếc ô. Cô sẽ đi cùng gia đình nhà chồng tương lai đến nhà họ hàng bên chồng để ra mắt.
Người Trung Quốc quan niệm, màu đỏ là màu của sự may mắn, đuổi tà ma. Vì vậy từ xưa, trang phục cưới và lễ cưới của cô dâu chú rể thường tràn ngập sắc đỏ.
Yakan là một dân tộc thiểu số sinh sống tại đảo Basilan của Philipines. Đám cưới tại đây thường được tổ chức hai lần, một lần theo nghi thức Hồi giáo và một lần với nghi thức tiền Hồi giáo. Trong đám cưới, cả cô dâu và chú rể đều phải vẽ lên mặt.
Tại Nauy, trong đám cưới cô dâu chú rể sẽ mặc trang phục truyền thống gọi là "Bunad". Bộ đồ cũng sẽ được sử dụng trong những dịp lễ khác của năm như dịp Giáng Sinh.
Đàn ông Scotland thường mặc váy truyền thống, có màu sắc và kiểu thiết kế tượng trưng cho gia tộc của mình. Sau lễ cưới, cô dâu sẽ được khoác khăn choàng cùng kiểu với chú rể để ngụ ý đã trở thành người nhà của gia tộc đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.