Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2024 - Aquafina Vietnam International Fashion Week Fall/Winter 2024, ngày 11-11, hội thảo “Xu hướng người tiêu dùng năm 2026” đã diễn ra tại Hà Nội, mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu thời trang tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên, Ban tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức dự đoán xu hướng toàn cầu (WGSN) tổ chức hội thảo chuyên ngành dành riêng cho các thương hiệu thời trang tại Việt Nam. Sự kiện cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lược những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng tiêu dùng của năm 2026, giúp họ xây dựng các chiến lược đón đầu nhu cầu thị trường và tạo ra sự đột phá cho thương hiệu của mình.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trang Lê - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam chia sẻ, Aquafina Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo mang một sứ mệnh mới, đó là đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghiệp thời trang phát triển. Chính vì vậy, việc trước tiên là dự đoán xu hướng để thời trang nước nhà có thể hòa cùng dòng chảy với quốc tế.
Với hơn 25 năm kinh nghiệm, WGSN là tổ chức đi đầu trong việc dự đoán xu hướng và định hướng tương lai, giúp các thương hiệu kịp thời đón đầu các xu hướng và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, mang tới thành công và sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường. 70% trong số tốp 100 hãng thời trang hàng đầu thế giới đều đang là khách hàng trực tiếp của WGSN.
Trong hội thảo “Xu hướng người tiêu dùng năm 2026” lần này, WGSN đã có những phân tích chuyên sâu về các xu hướng tiêu dùng sẽ chi phối thị trường trong năm 2026 tới đây thông qua phần chia sẻ của bà Carla Buzasi - Giám đốc điều hành tổ chức WGSN.
Người tiêu dùng luôn được đặt ở vị trí trọng tâm cho mọi hành động trong kế hoạch chiến lược của các nhà quản lý thương hiệu. Đứng trước xu hướng thay đổi với tốc độ chóng mặt về hành vi của người tiêu dùng, các thương hiệu cần kịp thời nắm bắt các thông tin dự đoán thị trường, giúp giảm thiểu rủi ro và lên kế hoạch chiến lược hiệu quả nhất cho thương hiệu của mình.
Trong hội thảo lần này, WGSN đã đặt ra một vấn đề, đó là làm thế nào để thương hiệu có thể xác định khách hàng mục tiêu của mình cần nhắm tới và tương tác lâu dài với họ trong tương lai.
Bà Carla Buzasi đã đưa ra cách phân chia các tệp khách hàng theo nhóm tâm lý - một hướng đi vẫn còn mới tại thị trường Việt Nam. Mỗi một nhóm khách hàng có những nhu cầu đặc trưng riêng và thương hiệu có thể làm gì để tập trung đáp ứng được điều đó, kết nối thương hiệu với người tiêu dùng.
Từ những phân tích chặt chẽ cùng những dẫn chứng thực tế về các thương hiệu và doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới với các nhóm khách hàng được đưa ra, WGSN đặt ra các yếu tố quan trọng cũng là “kim chỉ nam” mà các nhà hoạch định chiến lược quan tâm để xây dựng kế hoạch cho thương hiệu trong năm 2026. Đó là sử dụng công nghệ AI để tạo ra những sự thay đổi tích cực; xây dựng sự hạnh phúc cho người tiêu dùng với sản phẩm của thương hiệu, mở rộng sự xuất hiện của thương hiệu không chỉ trên màn hình truyền thống mà tối đa trong điểm chạm với người tiêu dùng; tăng cường trải nghiệm cho người tiêu dùng trong nhiều giai đoạn trong cuộc đời; cung cấp nhiều cơ hội tương tác xã hội và kế hoạch xây dựng chỉ số cho thương hiệu.
Hội thảo còn mang tới những câu chuyện thành công từ các thương hiệu thời trang Việt như Canifa, Ivy Moda, Eva De Eva, Harper's Bazaar. Đây đều là những thương hiệu là đối tác của tổ chức WGSN trong nhiều năm và thành công của các thương hiệu này cho thấy rõ tầm quan trọng của những dự báo về xu hướng trong tương lai để tìm ra điểm chạm với khách hàng.
Với thông điệp “#FashionEvolution” - Những bước tiến mới trong thời trang, chương trình Aquafina Tuần lễ thời trang ruốc tế Việt Nam thu đông 2024 diễn ra từ ngày 13 đến 16-11, tại Cung Thể thao Quần Ngựa (30 Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội), đem đến cho công chúng những bộ sưu tập của các nhà thiết kế, thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.