Đã 34 tuổi và có một cậu con trai đang học lớp một, chị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) muốn sinh thêm bé nữa. Tuy nhiên vì sợ sinh con gái vào tuổi Dần, số lận đận nên anh chị lập kế hoạch ít nhất cũng phải 2 năm nữa mới đẻ.
Vào năm Kỷ Sửu (Trâu vàng) vợ chồng chị cũng định có thêm cháu, nhưng lại thôi dù chị từng một lần nhỡ dính bầu. Lý do vì cậu con trai sắp vào lớp một, giai đoạn rất quan trọng mà bố thường đi vắng, ở nhà chỉ có hai mẹ con thì không xoay sở được. Đến bây giờ sang năm mới, dù rất muốn nhưng anh chị vẫn phải kế hoạch vì sợ sinh con vào năm Dần, đặc biệt là con gái.
Chị nghe nhiều người bảo con gái tuổi Dần vốn cao số, tình duyên lận đận. Lại gắn với Canh Dần thì còn bất hạnh nữa vì "canh cô mậu quả", nào là "hai lần đò", số sát chồng... Chị cũng chưa thử kiểm nghiệm xem điều này có đúng không nhưng theo chị, "các cụ đã đúc kết như vậy thì chắc đúng".
"Vẫn biết 2 năm nữa, mình có tuổi, chuyện sinh con sẽ khó khăn nhưng đành vậy, chứ biết tính sao. Có thờ có thiêng, không biết thì thôi, biết rồi thì nên tránh để con không rơi vào cái số đó. Mình lại thích con gái chứ. Đi đâu, thấy chị em nào bế ẵm, chăm con mình lại thèm, giá mà mình cũng sinh rồi", chị Dung tâm sự.
Giống như chị Dung, ngày nay, nhiều người Việt Nam vẫn không muốn con cháu của mình mang tuổi Canh Dần. Trường hợp bà Thuyên, 60 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ.
Bà vẫn còn nhớ mãi phải vất vả thế nào cô con gái thứ 2, tuổi Giáp Dần mới đi lấy chồng được. Ngày xưa con gái 26 tuổi mà chưa lấy chồng đã được coi là quả bom nổ chậm trong nhà, thế mà con gái bà 30, 32 tuổi mà vẫn một mình.
"Phận đàn bà cầm tinh con hổ khổ lắm. Để con gái đi lấy chồng, tôi đã đi xem bói nhiều nơi, nào là cắt duyên âm, cầu duyên, rồi ngày mùng một, ngày rằm đều đi lễ chùa..., nói chung là đủ thứ. Mà có phải là không ai theo đuổi đâu, thế mà mãi đến năm 34 tuổi nó mới chịu lấy chồng", bà Thuyên kể lại.
Cũng vì thế, dù mới có một cháu nội là con gái nhưng bà vẫn căn dặn con dâu cố gắng tránh sinh con năm Dần dù năm nay chị đã bước sang tuổi 35. Con trai thì không sao vì sẽ được khỏe mạnh như hổ nhưng con gái thì số lận đận.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, một số cặp vợ chồng đến khám, tư vấn cũng bày tỏ quan điểm tránh sinh con năm nay.
Khi được hỏi vì sao lại không muốn có con thì có hai xu hướng. Một là lấy lý do tuổi con kỵ với tuổi bố, mẹ. Chẳng hạn, có người vì bố tuổi hợi nên không dám sinh con vì sợ "hổ vồ mất lợn". Thứ hai, một số người sợ đẻ con gái vào năm Dần. Con trai thì không sao nhưng mà con gái tuổi Canh Dần thì kỵ nhất, bác sĩ Hồng cho biết.
Cũng theo bác sĩ thì chưa có trường hợp nào đến phá thai vì lý do tránh năm Dần. "Tuy nhiên, thực tế thì họ có lấy đó làm lý do hay không thì không ai biết được. Lý do phá thai bệnh nhân thường đưa ra là kinh tế chưa đủ, chưa có điều kiện để sinh con...", bác sĩ Hồng nói.
Theo bác sĩ, đây chỉ là những quan niệm về tâm linh, không dựa trên cơ sở khoa học. Nên nếu biết có trường hợp nào vì tránh năm Dần mà đòi phá thai, bác sĩ sẽ tư vấn và "bắt đẻ".
Tiến sĩ Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết, một số người cho rằng năm tốt thì cố đẻ còn năm xấu thì cố tránh. Nhưng theo dõi hơn chục năm nay của bản thân ông thì số lượng trẻ sinh ra vào các năm không có sự khác nhau nhiều. Trung bình mỗi năm bệnh viện chào đón khoảng 20.000 trẻ ra đời.
"Có người cố đẻ cũng chả được còn người cố tránh nhưng vẫn dính thì phải sinh thôi. Với những cặp vợ chồng hiếm muộn có con đã là hạnh phúc rồi, chứ nói gì đến chuyện chọn năm sinh", tiến sĩ Tiến nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.