(HNM) - Bốn tháng trôi qua kể từ khi
Các tỉnh miền Đông Ukraine vẫn chưa ngơi tiếng súng. |
Trong diễn biến mới nhất, ngày 12-6, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom - Alexei Miller cho biết, Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu như nước này không thanh toán khoản nợ trị giá 1,95 tỷ USD trước 10h (giờ địa phương, tức 13h Việt Nam) ngày 16-6. Dù trước đó, Nga và Ukraine (Liên minh Châu Âu (EU) đóng vai trò trung gian) đã nối lại đàm phán trực tiếp tại Brussels (Bỉ) nhằm giải quyết bất đồng về giá khí đốt đe dọa cắt nguồn cung năng lượng cho Châu Âu. Tuy nhiên, kết thúc đàm phán, hai bên không đạt được thỏa thuận cụ thể nào. Mátxcơva cho rằng, đây đã là lần thứ ba Nga gia hạn thời gian cho Ukraine thanh toán khoản nợ mua khí đốt nhằm tăng cơ hội cho hai bên giải quyết bất đồng về giá. Hiện tại, Nga đề nghị giá khí đốt cung cấp cho Ukraine là 385 USD/1.000m3, thấp hơn 100 USD so với mức giá cao nhất mà khách hàng ở Châu Âu phải chi trả. Thế nhưng, Kiev muốn Mátxcơva áp dụng mức giá 268,5 USD/1.000m3 như thời điểm cuối năm ngoái. Theo các nhà phân tích, đây được xem là một trong những đòn "trả đũa" của Nga trước việc EU đe dọa tăng cường lệnh trừng phạt với Mátxcơva. Thêm nữa, việc tăng giá khí đốt cũng tạo ra áp lực kinh tế đối với Kiev trong bối cảnh tân Tổng thống P.Poroshenko thúc đẩy quá trình liên kết với EU thông qua một hiệp định dự kiến được ký vào tháng này.
Ngày 13-6, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết đã giải ngân cho Ukraine khoản tài trợ đầu tiên trị giá 250 triệu euro. Khoản tiền này nằm trong khuôn khổ thực hiện thỏa thuận được đại diện EC và Kiev ký ngày 13-5 tại Brussels, trong đó Liên minh Châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ Ukraine 1 tỷ euro. EC cho biết đây là một trong những biện pháp hỗ trợ Chính phủ Ukraine giải quyết những nhu cầu ngắn hạn cũng như để chuẩn bị thực hiện thỏa thuận liên kết. |
Trong khi đó, khu vực miền Đông vẫn chưa nguôi tiếng súng dù chiến dịch quân sự do chính quyền Kiev triển khai đã kéo dài hơn 1 tháng. Ngày 13-6, giao tranh đã nổ ra dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai tại thành phố cảng Mariupol - hải cảng lớn nhất của Ukraine ở biển Azov, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu thép của nước này. Cùng ngày, Ukraine cũng cáo buộc Nga cho phép 3 xe tăng và các xe quân sự khác vượt qua biên giới vào miền Đông để hỗ trợ các phần tử ly khai. Nga chưa đưa ra phản ứng với cáo buộc này, nhưng những diễn biến mới ở khu vực gần biên giới với Nga cho thấy, căng thẳng khó có thể "hạ nhiệt" trong thời gian tới. Nhất là khi Nga và các nước phương Tây chưa "bắt tay" để cùng tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Những cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của Nga và phương Tây thời gian qua không đạt được kết quả đáng kể nào hoặc có thể nói là chỉ dừng lại ở những tuyên bố mang tính hình thức, không vạch ra được giải pháp cụ thể. Theo các nhà phân tích, những tính toán riêng rẽ về lợi ích trên bàn cờ địa - kinh tế, chính trị là rào cản lớn nhất ngăn các bên liên quan tiến tới bàn đàm phán thực sự. Bằng chứng là, ngày 12-6, Nga đã đệ trình một dự thảo nghị quyết về Ukraine lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), yêu cầu tổ chức này đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine và kêu gọi chấm dứt bạo lực. Trong khi đó, Mỹ cho rằng đóng vai trò chính trong việc giải quyết tình hình bất ổn tại Ukraine là sự hợp tác giữa Mátxcơva và Kiev, chứ không phải là HĐBA.
Hiện nền kinh tế Ukraine đang chìm trong suy thoái và mất cân đối tài chính. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đặc biệt là bất ổn ở khu vực miền Đông có thể tiếp tục gây hậu quả kinh tế "nghiêm trọng" với nước này cũng như các đối tác thương mại. Vì Donetsk, Lugansk và Kharkov là những khu vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ukraine khi chiếm 21,5% tổng sản phẩm quốc nội và 30% giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia. Nếu Kiev cùng các bên liên quan không nhanh chóng tìm ra một giải pháp ổn định thế cục, nền kinh tế Ukraine có thể suy giảm tới 5% trong năm nay, ngay cả khi Kiev nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.