(HNM) - Trong một động thái khá bất ngờ, Nga đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bàn giao tên lửa thiện chiến S-300 cho Iran.
Iran sẽ nhận được hệ thống tên lửa S-300 từ Nga. |
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Nga và Iran đã đi xuống đáng kể, từ khi Nga hủy hợp đồng bán hệ thống phòng không tân tiến S-300 cho Iran hồi năm 2010 sau khi Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Iran đã tuyên bố kiện Nga lên tòa án quốc tế tại Geneva và đòi bồi thường. Tuy nhiên, việc Nga dỡ bỏ cấm vận sẽ giúp nhổ đi "cái gai nhức nhối" trong quan hệ giữa hai nước. Bước đi của Nga đưa ra sau khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran vào đầu tháng không chỉ giúp tăng cường đáng kể khả năng quân sự của Tehran mà còn giúp tạo một khởi đầu thuận lợi cho Nga trong cuộc đua để giành lấy những lợi ích từ việc quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia vùng Vịnh này. Vì thế, bên cạnh dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, Nga cũng bắt đầu chương trình đổi dầu lấy lương thực, trang thiết bị và vật liệu xây dựng.
Động thái này cũng được xem là một đối sách của Nga nhằm phá thế bị cô lập bởi phương Tây. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát dẫn đến việc Mỹ cùng các đồng minh lập nên một "mặt trận" chống Nga một cách quyết liệt, thế giới đang chứng kiến một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Trước sức ép từ nhiều phía có nguy cơ gây tổn hại nặng nề tới nền kinh tế, Nga buộc phải có những bước đi chiến lược. Do đó, việc Nga hợp tác quân sự với Iran nhằm đa dạng hóa quan hệ và tạo nên đối trọng với phương Tây cũng như giảm thiểu ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt là điều dễ hiểu. Theo tính toán ban đầu, với quyết định thi hành hợp đồng bán S-300 cho Iran, Nga có thể thu về ít nhất 115 triệu USD sau khi trừ các khoản phạt vì không thực hiện thỏa thuận cách đây 5 năm. Đây là một khoản ngoại tệ không nhỏ đối với Nga trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với phương Tây đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Nga và chưa biết khi nào mới kết thúc.
Hệ thống tên lửa S-300 bán cho Iran được xem là một trong những hệ thống tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới với tầm bắn hơn 200km có khả năng theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Cả Mỹ và Israel đều lên tiếng phản đối quyết định của Nga vì việc sở hữu S-300 sẽ giúp tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Tehran. Điều này đặc biệt khiến Tel Aviv lo ngại khi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu luôn kêu gọi tấn công quân sự nhằm loại bỏ một đối thủ có khả năng thách thức sức mạnh quân sự của Israel và chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Trong khi đó, Mỹ không thích thú với bản hợp đồng vũ khí này vì cuộc đàm phán dẫn đến một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran vẫn chưa hoàn tất. Thế nên, bất kỳ hành động nào có thể hỗ trợ sức mạnh cho Iran là không có lợi cho Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong cuộc "đấu trí" với phương Tây, Nga lại vừa đi một "nước cờ" hiểm hóc có thể làm khó các đối thủ. Việc bán S-300 gửi đi một thông điệp rằng Mátxcơva vẫn nắm giữ những quân bài có thể cứu nguy cho nền kinh tế và tác động đáng kể đến các mối quan hệ quốc tế và cục diện chính trị thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.