(HNM) - Cuộc tập trận quy mô lớn Brilliant Jump 2016, tại Ba Lan, của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sự tham gia của hơn 30.000 binh sĩ dường như đã đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Nga.
Các binh lính tham gia cuộc tập trận Noble Jump của NATO tại Ba Lan. |
Đợt diễn tập từ ngày 17 đến 27-5, nhằm thử nghiệm khả năng vận chuyển quân của NATO từ Tây Ban Nha, Anh và Albania tới Cảng Szczecin và Sân bay Wroclaw của Ba Lan trong các tình huống khẩn cấp. Đến thời điểm này, Brilliant Jump là cuộc diễn tập thứ ba mà liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới thực hiện tại Ba Lan chỉ từ đầu năm 2016. Cuộc tập trận này cũng là một bằng chứng nữa cho thấy kế hoạch có hệ thống và dài hạn mà phương Tây đã triển khai và chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Mátxcơva. Trong thời gian qua, NATO đã liên tiếp thực hiện những hành động khiến Kremlin cảm thấy bị đe dọa. Bên cạnh những cuộc thao diễn dồn dập, NATO gia tăng sự hiện diện quân sự tại một loạt quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan hay một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên bang Xô Viết cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Cùng với đối tác chính, Mỹ cũng trở nên năng động hơn ở Đông Âu. Ngay trước khi Brilliant Jump diễn ra, một cuộc tập trận mang tên Platinum Eagle 16.1 với sự tham gia của khoảng 350 binh sĩ từ 6 quốc gia Bulgaria, Moldova, Romania, Serbia, Anh và Mỹ đã được Washington tổ chức tại khu quân sự Smardan, gần thành phố Galati, ở phía Đông Romania. Cho dù quy mô không lớn nhưng sự kiện này diễn ra không lâu sau khi Mỹ quyết định kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 800 triệu USD cũng ở Romania, buộc Nga lên tiếng cảnh báo sẽ có những hành động đáp trả thích đáng.
Ngay lập tức, Mátxcơva tuyên bố tăng quân bảo vệ sườn phía Tây khi sẽ thành lập hai đơn vị mới tại Quân khu phương Tây ở Smolensk và Voronezh và một sư đoàn mới ở Quân khu phương Nam tại Rostov-on-Dov. Bên cạnh đó, Nga cũng đã triển khai các mạng lưới chống xâm nhập Sova-SBRM dọc theo biên giới với Phần Lan, Ba Lan và một số nước Baltic khác, cho phép giám sát và theo dõi nhiều mục tiêu đang di chuyển và quỹ đạo bay của chúng.
Trước đó, Nga đã thành lập một đơn vị xe tăng chiến đấu chủ lực ở vùng Mátxcơva và 20 đơn vị chiến đấu bộ binh mới, đóng quân rải rác ở miền Tây nước Nga. Quân khu phía Tây của Nga còn phải trải qua khoảng 300 đợt kiểm tra đột xuất và 800 bài tập trận chiến đấu trong năm nay. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Quân khu này sẽ nhận được 1.100 thiết bị quân sự mới hoặc nâng cấp, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35, lựu pháo Koalitsiya-SV, Msta-SM và hệ thống tên lửa phòng không S-400. Giải thích cho các quyết định "điều binh", Nga cho rằng việc NATO đẩy mạnh sự hiện diện của các lực lượng vũ trang tại Đông Âu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nga.
Những gì diễn ra từ cả hai phía đã chứng minh cho nhận định về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Baltic. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng điều này đang diễn ra nhanh hơn và dồn dập hơn. Bất chấp những lời cảnh báo từ phía Nga về việc phương Tây đang đe dọa tới hòa bình khu vực trung tâm Châu Âu, Mỹ đã hiện thực hóa quyết tâm tăng hiện diện ở Lục địa già khi vừa khởi công xây dựng một hệ thống tên lửa mới tại Redzikowo ở phía Bắc Ba Lan. Trạm phòng thủ này gồm 24 hệ thống tên lửa SM-3 cùng các hệ thống phòng không khác được xem là sự đóng góp của Mỹ cho hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO và khi hoàn tất vào năm 2018 sẽ giúp bảo vệ các sườn vùng Trung và Bắc NATO và cho phép hoàn thiện một hệ thống phòng thủ khép kín trong khu vực bên cạnh các chiến hạm, máy bay và hệ thống ra đa dày đặc bao quanh Địa Trung Hải.
Một số ý kiến cho rằng, những căng thẳng nêu trên có thể dẫn tới việc tái hiện kịch bản đối đầu giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó xảy ra vào thời điểm hiện tại, bởi lẽ trạng thái đối đầu giữa Nga và NATO vào lúc này có nhiều khác biệt so với Liên bang Xô Viết và Mỹ trước đây. Thay vào đó, những cuộc chạy đua vũ trang ở quy mô nhỏ hơn là điều được tính đến mà vùng biển Baltic hiện nay là một điển hình.
Việc NATO tập trung các lực lượng chiến đấu của mình tại đây cùng những phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga sẽ dẫn tới một tháng 6 đầy căng thẳng về cả chính trị lẫn quân sự. Như thế, nếu không có những đối thoại trực tiếp, đủ thẳng thắn giữa hai bên trong khuôn khổ một chiến lược chung về lâu dài, việc tập trung quân đội đông đảo, tiến hành các cuộc tập trận với cường độ ngày một cao hơn, tăng cường sự hiện diện của các loại khí tài quân sự… chắc chắn sẽ gây ra những tổn thất về ngoại giao và kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.