(HNM) -
Sau hàng loạt những căng thẳng, đây là dấu hiệu cho thấy Nga và Mỹ dường như đã sẵn sàng đối thoại để cải thiện quan hệ song phương, vốn đã chạm đáy, sau sự kiện Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3-2014.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry |
Chuyến thăm của ông Kerry là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra năm 2013, khiến cho mối quan hệ hai bên rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cuộc hội đàm giữa ông Kerry và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ mát bên bờ Biển Đen về một loạt vấn đề, từ tình hình Ukraine, đàm phán hạt nhân Iran cho đến xung đột ở Yemen và Libya là minh chứng cho thấy Washington đang có sự điều chỉnh trong chính sách quan hệ với Nga. Thay vì kêu gọi sự đối đầu và cô lập, Mỹ tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong nhiều vấn đề gai góc. Ngoại trưởng Kerry cho biết, cuộc gặp với ông V.Putin rất cởi mở và hữu ích, bày tỏ sự cần thiết, mang tính cấp bách của việc Nga - Mỹ trong hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu. Nhân dịp này, ông Kerry cũng tiết lộ khả năng những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể được dỡ bỏ nếu thỏa thuận ngừng bắn Minsk được thực hiện đầy đủ ở miền Đông Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Nga V.Putin cũng nhấn mạnh quyết tâm thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk.
Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva căng thẳng. Mọi việc càng tồi tệ khi Mỹ và đồng minh Châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề chống Mátxcơva nhằm phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và các cáo buộc điện Kremlin cung cấp vũ khí và can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Thế nhưng, điều đó không thể xóa bỏ vai trò của Nga trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế, từ tình hình Syria, Triều Tiên hay mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nga vẫn là đối tác chính của Mỹ trong quá trình đàm phán của Nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân Iran và Mátxcơva tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình trong khuôn khổ Hiệp ước START mới.
Hiện có nhiều giả thuyết đang được đặt ra liên quan tới chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Kerry. Trong khi một số nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm Nga của ông Kerry thực chất chỉ là dấu hiệu cho thấy sự khó khăn của Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế khi thiếu Nga, thì nhiều nhà phân tích chính trị lại nhận định, chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Kerry rất được phía Mátxcơva hoan nghênh. Trên thực tế, Nga cũng muốn tận dụng chuyến thăm này để quảng bá hình ảnh của một chính phủ muốn làm hòa và sẵn sàng đối thoại.
Dẫu vậy, băng giá vẫn chưa tan và trước mắt còn cả một chặng đường dài để Nga - Mỹ cải thiện quan hệ song phương. Hiệu quả của tiến trình này tùy thuộc rất nhiều vào những hành động và quyết định của mỗi bên trong từng vấn đề cụ thể. Dù cuộc gặp giữa Tổng thống V.Putin và Ngoại trưởng Kerry chưa giúp tạo ra đột phá lớn nhưng tín hiệu Nhà Trắng đang gửi cho Kremlin cho thấy Washington sẵn sàng thảo luận về cách thức khiến quan hệ giữa hai bên ấm lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.