Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga mở rộng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ: cú sốc kinh tế mới

Quỳnh Dương| 30/12/2015 07:05

(HNM) - Căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia tăng sau khi Mátxcơva ra quyết định mở rộng trừng phạt Ankara trên các lĩnh vực lao động, nông nghiệp, du lịch.

Khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ giảm đáng kể sau khi lệnh trừng phạt được áp đặt.


Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù hiện không phải là thời điểm thuận lợi để Nga gia tăng các biện pháp cấm vận kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng động thái này cho thấy quyết tâm của Điện Kremlin trong việc "trả đũa" Ankara sau vụ máy bay chiến đấu Su-24 bị bắn rơi tại Syria.

Mới đây, báo cáo sơ bộ của các đại diện đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ dự báo, các khoản thiệt hại về kinh tế mà Ankara phải gánh chịu từ tình hình căng thẳng với Nga dao động từ 8,5 tỷ đến 12,2 tỷ USD và thậm chí có thể vượt 52 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Chỉ trong năm 2015, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga ước tính giảm tới 30-40%. Riêng trong lĩnh vực du lịch, những lệnh trừng phạt kinh tế của Nga đã và đang gây nên những tổn thất nặng nề. Trong vòng 1 tháng qua, con số khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh tới 600.000 lượt.

Trong khi đó, năm 2014, số khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ du lịch vào khoảng 4,5 triệu người. Nếu tình hình không có gì thay đổi, ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ chịu tổn thất đến 3 tỷ USD trong năm 2016. Nước này cũng sẽ chịu thiệt đơn thiệt kép từ việc một số dự án năng lượng hợp tác với Nga bị ngưng trệ. Việc không xuất khẩu năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga có thể mất đi đối tác quan trọng này nhưng Nga vẫn còn cơ hội tìm thấy các đối tác khác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga lại chiếm đến 60% tổng nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Nga cắt quan hệ khiến Ankara sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế vì hiện Ankara đang không có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia cung cấp khí đốt lớn khác là Arab Saudi, Iran, Ai Cập, Syria, Azerbaijan.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, chính quyền Ankara đã nhiều lần bày tỏ hy vọng khôi phục quan hệ hợp tác với Mátxcơva. Cách đây ít ngày, trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Al-Arabiya, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng thời gian tới để bàn các giải pháp tháo gỡ căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, mong muốn của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể được đáp ứng khi Nga đã đưa ra 3 điều kiện tiên quyết để khôi phục quan hệ gồm: Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi công khai, đền bù các thiệt hại đã gây ra, tìm và trừng phạt thủ phạm đã bắn hạ chiếc Su-24 của Nga.

Đánh giá về kinh tế Nga, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2015 là một năm đặc biệt khó khăn đối với xứ sở Bạch dương, chủ yếu do giá dầu thế giới - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này gần 2 năm nay liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, GDP của Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay và thậm chí giảm sâu thêm 0,6% trong năm 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở trong tình trạng không khá hơn. Nhiều tháng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử bị bỏ lửng, không đưa lại kết quả cuối cùng hồi tháng 6 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Theo IMF, nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3,6% vào năm 2016 - mức rất thấp so với đà tăng 9% năm 2010 và 2011. Đồng nội tệ lira cũng đã giảm 20% so với đồng USD trong năm nay. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ tốn kém hơn để trả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn 125 tỷ USD.

Trong bối cảnh đều phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về mặt kinh tế, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga rất cần những đòn bẩy để kích thích tăng trưởng. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau sẽ chỉ gia tăng nguy cơ tạo ra những cú sốc mới khiến hai nước tự đánh mất đi cơ hội thoát khỏi "vũng lầy" kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga mở rộng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ: cú sốc kinh tế mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.