Học thuyết quân sự mới và cơ sở chính sách quốc gia Liên bang Nga trong lĩnh vực kiềm chế hạt nhân đến năm 2020, vừa được Tổng thống Dmitry Medvedev phê chuẩn, khẳng định nguy cơ quân sự đối với Liên bang Nga đang tăng lên do tình hình quân sự-chính trị và quan hệ quốc tế căng thẳng, do các điều kiện được tạo ra để sử dụng sức mạnh quân sự.
Tuy vậy, học thuyết cho rằng hai nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với Nga vẫn là quá trình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía Đông và kế hoạch của Mỹ nhằm bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD).
Máy bay quân sự của Nga. Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Reuters)
Theo học thuyết này, NATO đang sử dụng tiềm năng quân sự để gán cho nó những chức năng toàn cầu mà việc thực hiện sẽ vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Động thái này để làm cho cơ cấu quân sự của các nước thành viên NATO xích lại gần biên giới Liên bang Nga, trong đó có biện pháp mở rộng NATO.
Kế hoạch của Mỹ nhằm thành lập và triển khai NMD đang phá vỡ ổn định toàn cầu và vi phạm tương quan lực lượng đã hình thành trong lĩnh vực tên lửa-hạt nhân.
Học thuyết cho rằng, mặc dù ít có khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn sử dụng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân nhằm chống Liên bang Nga, nhưng ở một loạt hướng, nguy cơ quân sự đối với nước Nga đang tăng lên.
Vẫn còn nhiều cuộc xung đột khu vực, trong đó có những khu vực giáp biên với Nga, chưa được giải quyết và mang xu hướng giải quyết bằng vũ lực. Cơ cấu an ninh quốc tế hiện hành không bảo đảm an ninh ngang nhau cho tất cả các nước.
Trong số các nguy cơ quân sự còn có việc thành lập và đào tạo các đơn vị vũ trang bất hợp pháp hoạt động trên lãnh thổ Nga và những đồng minh của Nga. Đồng thời, trên thế giới vẫn tồn tại những âm mưu làm mất ổn định tình hình tại một số nước và một số khu vực cũng như phá vỡ sự ổn định chiến lược.
Thêm một nguy cơ mới là việc triển khai hoặc tăng cường các đơn vị quân đội nước ngoài (hoặc nhóm nước ngoài) trên lãnh thổ của những nước có chung biên giới trên đất liền và trên biển với Liên bang Nga, và với các đồng minh của Nga.
Học thuyết nêu rõ Liên bang Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại nước Nga và các đồng minh của Nga.
Liên bang Nga cũng bảo lưu quyền nhanh chóng sử dụng quân đội Nga ở nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của các công dân Nga, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Học thuyết khẳng định Liên bang Nga sẽ phát triển quan hệ hợp tác quân sự-chính trị và quân sự-kỹ thuật với nước ngoài, các tổ chức khu vực cũng như quốc tế trên cơ sở tính đến lợi ích đối ngoại và lợi ích kinh tế của mình, phù hợp với luật pháp của Nga và các thỏa thuận quốc tế.
Liên bang Nga ưu tiên phát triển hợp tác quân sự-chính trị với Belarus, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.