Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở: Nguy cơ thêm rạn nứt lòng tin

Minh Hiếu| 21/12/2021 06:49

(HNM) - Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, nước này đã hoàn tất việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở - một trong những biện pháp quan trọng nhằm xây dựng lòng tin và bảo đảm an ninh tốt hơn tại khu vực Bắc bán cầu. Với việc cả Nga và Mỹ đều không còn là một bên tham gia, hiệu lực của hiệp ước này sẽ giảm mạnh và khó có thể tránh khỏi việc kéo theo những rạn nứt mới về lòng tin trong mối quan hệ vốn đã nhiều thăng trầm giữa Nga và phương Tây.

Nhiều chuyến bay trinh sát đã được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, với mục tiêu nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quân sự và xây dựng lòng tin sau Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước cho phép các thành viên gồm Mỹ, Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu triển khai máy bay trinh sát không vũ trang, bay theo lộ trình được thống nhất trên lãnh thổ của nhau. Các thành viên cũng được phép tiếp cận dữ liệu liên quan, nhằm mục đích thúc đẩy tính minh bạch của hoạt động quân sự trên không và xác minh việc tuân thủ các hiệp ước khác. Tuy nhiên, vào tháng 5-2020, Tổng thống Mỹ, khi đó là ông Donald Trump, tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp ước với cáo buộc Nga “nhiều lần vi phạm” các điều khoản. Sau đó, Washington chính thức rút khỏi hiệp ước vào tháng 11-2020.

Theo Hãng thông tấn TASS, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Mátxcơva đã không còn là một bên của Hiệp ước Bầu trời mở từ ngày 18-12. Trước đó, vào tháng 6-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký luật để rút nước này khỏi hiệp ước và đưa ra thông báo trước 6 tháng cho tất cả các bên liên quan. Ban đầu, Nga đã thể hiện nỗ lực nhằm cố gắng duy trì việc tham gia hiệp ước này với điều kiện các quốc gia còn lại, hầu hết là các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cung cấp cho Mátxcơva những bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không chuyển bất kỳ dữ liệu nào thu được từ các chuyến bay cho Lầu Năm Góc. Song, các nước khác đã từ chối một cam kết như vậy. Kênh CGTN dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán Nga về các vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov khẳng định, Nga đã cố gắng duy trì hiệp ước cho đến phút cuối cùng.

Bộ Ngoại giao Nga cũng nhắc lại quyết định tham gia hiệp ước của Nga là không hề dễ dàng, song Mátxcơva đã thực hiện bước đi này để tăng cường an ninh quốc tế. Theo Hãng tin Sputnik, trong thời gian tham gia hiệp ước, Nga đã thực hiện 646 chuyến bay và cho phép 449 chuyến bay được qua không phận của mình. Bộ Ngoại giao Nga nhận định, rõ ràng nếu không có sự tham gia của Mỹ và Nga, hiệu lực của hiệp ước sẽ giảm mạnh. Nga cũng cáo buộc Mỹ đã khởi xướng sự sụp đổ của Hiệp ước Bầu trời mở và phải chịu trách nhiệm cho việc này.

Hiệp ước Bầu trời mở là một trong nhiều hiệp định an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh mà Washington đã từ bỏ, khiến các cơ chế kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga bị suy yếu đáng kể trong những năm gần đây. 

Vào tháng 2-2021, Washington và Mátxcơva đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 5 năm - đến năm 2026. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn hiệu lực giữa hai cường quốc hạt nhân này.

Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng nhiều thập kỷ thực hiện hiệu quả cho thấy Hiệp ước Bầu trời mở đóng vai trò là công cụ củng cố niềm tin và an ninh, tạo thêm cơ hội để đánh giá khách quan về tiềm lực quân sự và hoạt động quân sự của các nước tham gia. Sau khi Nga rút khỏi hiệp ước, vẫn chưa rõ Belarus - đồng minh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) sẽ có động thái gì tiếp theo. Minsk trước đó đã thông báo việc nước này tiếp tục tham gia Hiệp ước Bầu trời mở sẽ được xem xét cẩn thận với sự tham vấn của Mátxcơva.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở: Nguy cơ thêm rạn nứt lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.