(HNMO) - Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh dự thi đại học cả 2 đợt thi năm nay là 1.237.870; tỉ lệ chọi vào các trường thường là 1/6, 1/7 hoặc 1/11, 1/12, có khi là 1/18, thậm chí 1/60 hoặc cao hơn! Như vậy, tỉ lệ đỗ chắc chắn sẽ không cao và rất đông thí sinh sẽ trượt đại học.
Tuy chưa có những thống kê, so sánh một cách khoa học và đáng tin cậy nhưng đã có người đưa ra nhận xét: Việt Nam là nước có tỷ lệ thi trượt đại học cao nhất thế giới!
Nếu trượt đại học thì sao? Những ai đã từng bị trượt đại học mới có thể thông cảm và chia sẻ những gì mà các bạn trẻ đang phải trải qua trong hoàn cảnh tương tự. Hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) những ai trong tình huống đó đều thường có tâm trạng buồn nản và thất vọng. Có bạn trẻ do quá bi quan dẫn đến những hành động tiêu cực hết sức đáng tiếc.
Chắc chắn không dễ gì có thể vượt qua một cách bình thản trong thời điểm này, nhưng cần phải vững vàng để có những quyết định đúng đắn. Vì thực sự cuôc đời còn rất dài, sẽ còn nhiều thử thách và khó khăn hơn nữa nhưng cũng còn biết bao cơ hội để nếu chúng ta quyết tâm vẫn có thể tìm ra đường đi phù hợp, dẫn ta tới những thành công trong cuộc sống.
Thi trượt thì ai cũng buồn và có nhiều nỗi buồn khác nhau. Buồn vì đã không thể vượt qua được kỳ thi mà nhiều người coi kết quả của nó chính là “bước ngoặt cuộc đời”. Buồn vì bao ước mơ, hy vọng tiến xa trên con đường học vấn và điều đó đồng nghĩa với một tương lai đầy hứa hẹn nay đã không thể thực hiện. Người nào sức học non, quá trình học tập không đạt kết quả tốt nhưng vì nhiều lí do vẫn cứ đi thi, thì khi trượt chắc không buồn nhiều lắm. Những ai học được, mất nhiều công sức ôn luyện, nay kết quả không như mong muốn thì lại thường thất vọng quá, để mất đi một điều hết sức quan trọng đó là sự tự tin.
Trong khi đó, đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời và lập nghiệp và học đại học không phải điều kiện cần và cũng chưa phải điều kiện đủ để thành đạt.
Nếu cho rằng việc học qua đại học là điều kiện cần thiết và bắt buộc để thành đạt trong cuộc đời thì không đúng. Vì nếu là điều kiện cần thì dứt khoát cứ phải qua đại học thì mới thành đạt. Có rất nhiều người thật việc thật đã cho thấy những trường hợp tuy không học qua đại học nhưng vẫn có thể thành công rực rỡ trong sự nghiệp. Điển hình là Bill Gate – một trong những người giàu nhất thế giới và điều quan trọng hơn là ông đã có những đóng góp to lớn cho xã hội bằng việc cống hiến tài năng và trí tuệ của mình trong ngành công nghệ phần mềm.
Vậy học đại học có phải là điều kiện đủ để thành đạt trong cuộc đời hay không? E rằng có thể chỉ ra rất nhiều ví dụ về những người đã qua đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... nhưng dường như họ mới chỉ có tấm bằng trên giấy mà sự thành đạt và cống hiến cho xã hội của họ chưa có nhiều. Hẳn có kỹ sư cơ khí chắc đã rất buồn khi thấy một nông dân bình thường vùng đồng bằng sông Cứu Long đã tự sáng chế ra các máy móc rất tốt để phục vụ bà con nông dân.
Việc học đại học sẽ là cơ hội tốt nhất và con đường ngắn nhất để tiếp thu một cách có hệ thống những kiến thức, kỹ năng cơ bản của một chuyên ngành. Nhưng như vậy chưa đủ để thành công trong cuộc sống vô cùng phức tạp, nơi đòi hỏi phải có thêm biết bao hiểu biết về con người và xã hội, nơi phải có đầy đủ kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là những kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng làm việc theo nhóm… Như vậy, những gì học được ở đại học cũng chưa đủ để thành đạt ngay trên trường đời mà sẽ còn phải học, học nữa, học mãi!
Ngoài trường đại học còn có nhiều con đường khác có thể giúp bạn có được kiến thức kỹ năng, và những kinh nghiệm thực tế của cuộc sống để có một nghề nghiệp vững vàng, một chỗ đứng trong xã hội. Cũng đã từng có rất nhiều người sau khi trượt đại học đã chọn một trường cao đẳng, và có cả những người đi học nghề để tham gia ngay vào hoạt động lao động sản xuất của xã hội. Trong số đó, nhiều người đã thành đạt và một số người đã tiếp tục bổ sung kiến thức để quay lại thi vào đại học.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là mỗi cá nhân cần tự nhận thức rõ về năng lực của mình. Nếu thấy mình từng có những kết quả tốt trong học tập, có đủ năng lực và kiến thức để vào đại học và học được ở đại học, hãy tiếp tục ôn luyện để thi lại. Ở đây rất nên học tập những tấm gương của các vận động viên thể thao: Lần này hỏng? Hãy làm lại. World Cup này chưa tới đích? Hẹn 4 năm sau! Nhưng nếu thực sự không đủ khả năng học tập thì việc theo học đại học suốt mấy năm có khi lại là một sức ép nặng nề và dai dẳng hơn những gì phải đối mặt khi thi trượt. Chưa kể gánh nặng kinh tế mà gia đình phải chịu đựng trong khi kết quả học tập yếu kém chẳng hứa hẹn gì sự đền đáp xứng đáng với tiền của và công lao của gia đình đã dành cho mình. Hơn nữa, bạn mới chỉ dự thi 3 môn học, có thể kiến thức kỹ năng của 3 môn đó bạn chưa đạt yêu cầu, nhưng bạn còn có những năng lực nổi trội khác và bạn thực sự giỏi ở những lĩnh vực khác. Và vì thế, bạn sẽ có một cuộc đời hạnh phúc hơn khi lựa chọn con đường phù hợp với mình hơn. Bao năm qua, đã từng có rất nhiều người trượt đại học (vì tỉ lệ đỗ đại học luôn rất thấp), nhưng trong số họ cũng đã có rất nhiều người đã vượt qua “cú sốc” đó để thành công trong sự nghiêp và cuộc đời.
Nếu để từng cá nhân đang đối mặt với “khủng hoảng” phải sống trong cô đơn và có khi rơi vào bế tắc thì rất dễ xảy ra những bi kịch không đáng có. Xã hội, gia đình và bạn bè trong lúc này giữ vai trò hết sức quan trọng. Hãy làm mọi cách có thể để giúp các bạn trẻ bình tĩnh, giữ lại thăng bằng và cố gắng vượt qua khó khăn này.
Muốn giải quyết tận gốc việc quá nhiều bạn trẻ phải chịu đựng những nỗi buồn như vậy cần phải có những giải pháp mang tính vĩ mô và hệ thống. Chẳng hạn cần phải làm tốt hơn việc tư vấn nghề nghiệp cho học sinh những năm cuối bậc học phổ thông, giúp các em lựa chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực của bản thân. Hoặc cần có sự “phân luồng” sớm để tránh tình trạng tất cả học sinh cứ tốt nghiệp lớp 12 là chỉ có mỗi con đường thi vào đại học.
Có lẽ đã đến lúc nên có những biện pháp để dừng lại cảnh “nhà nhà, người người đi thi đại học” và cũng cần có dư luận xã hội lên tiếng với những ai đó còn có quan niệm: càng nhiều người đi thi càng tốt (!). Có thể họ nghĩ vậy vì họ được lợi trong đó mà không biết xã hội đã lãng phí biết bao tiền của và biết bao học sinh đã phải hứng chịu những nỗi buồn không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.