Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếu Trung Quốc không thực thi, bên kiện có thể đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Quang Huy| 25/07/2016 06:38

(HNM) - Sau việc Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Bá Diến (Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế, thuộc Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trong trường hợp Trung Quốc không thực thi phán quyết, các bên có thể đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong suốt quá trình diễn ra vụ kiện từ năm 2013 đến năm 2016, phía Trung Quốc liên tục phản đối bằng cách bác bỏ thẩm quyền và phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, rõ ràng Tòa trọng tài có thẩm quyền. Nội dung phán quyết của Tòa trọng tài phù hợp với quy định của luật quốc tế, Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Phán quyết của Tòa trọng tài là chiến thắng của công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế. Phán quyết này khẳng định hiệu lực của luật pháp quốc tế, khẳng định sự thượng tôn của công lý quốc tế. Từ đó, tạo nên niềm tin cho cộng đồng quốc tế, khuyến khích các quốc gia và dân tộc đi theo con đường và trật tự của luật pháp quốc tế mà nhân loại xây dựng. Đồng thời, phán quyết này còn có tác dụng răn đe đối với những tham vọng phi lý, trái với luật pháp quốc tế. Các quốc gia dù nhỏ cần biết sử dụng công cụ pháp lý và hành xử bằng luật pháp, phù hợp với Hiến chương LHQ và UNCLOS.

Từ khi Philippines khởi kiện năm 2013, Trung Quốc đã tăng tốc cải tạo, bồi đắp những thực thể ngầm. Điều họ làm được là tạo nên những điều phi lý. Thực tế cho thấy, sẽ là “ảo vọng” nếu tin rằng Trung Quốc dừng hành động sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu nhất quyết bỏ qua hay phớt lờ những nội dung phán quyết đưa ra.

Theo UNCLOS, dù Trung Quốc không tham gia phiên tòa, không có nghĩa là Trung Quốc không chịu ràng buộc từ phán quyết này. Trong trường hợp Trung Quốc không thực thi phán quyết, các bên có thể đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ. Điểm khác biệt cơ bản của quan hệ quốc tế và tố tụng quốc gia là trong phán quyết quốc tế, quốc gia bị xử thua sẽ bị thiệt hại lớn về mặt chính trị, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc là một thành viên tham gia phê chuẩn UNCLOS. Những thua thiệt của Trung Quốc có thể không định hóa được về mặt vật chất nhưng đó là những tổn thất về hình ảnh quốc gia, nhất là khi quốc gia đó muốn trở thành cường quốc số một thế giới. Niềm tin từ cộng đồng quốc tế cũng như uy tín quốc tế của Trung Quốc đang suy giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, "bàn cờ" Biển Đông không chỉ có sự tham gia của các quốc gia ASEAN, tại đây có sự hiện diện lợi ích của nhiều nước trên thế giới. Biển Đông là con đường hàng hải huyết mạch của khu vực, trong trường hợp bị phong tỏa, thì lợi ích của ASEAN và kể cả những quốc gia khác cũng bị thiệt hại nặng nề. Vì thế, chắc chắn việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực này sẽ được cộng đồng thế giới luôn quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nếu Trung Quốc không thực thi, bên kiện có thể đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.