Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếu không đào tạo... khán giả

Người Lái Đò| 14/11/2010 06:58

(HNM) - Các vở cải lương diễn ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ - nơi sinh ra bộ môn nghệ thuật này - vắng khán đã nhiều năm nay. Nhiều cuộc hội thảo nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp đã được Bộ VH,TT&DL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSK) tổ chức và mới đây nhất, ngày 8-11, Hội NSSK TP Hồ Chí Minh lại tổ chức hội thảo về cải lương và khán giả.


Thập niên 4 thế kỷ trước, cải lương ở các tỉnh phía Nam vắng khán giả, dẫn đến tiền bán vé không đủ nuôi gánh hát, nên các bầu gánh phải đổi mới bằng cách đưa cảnh võ thuật, đấm đá thật lên sân khấu. Vì thế mới có tên cải lương kiếm hiệp. Tuy nhiên, món mới cũng chỉ giúp cải lương sống được một thời gian. Đầu những năm 50, các bầu gánh còn cho chiếu cả các đoạn phim Tarzan đang ăn khách thời đó lên sân khấu trong khi thay cảnh. Đến năm 1973, chỉ có một vài gánh hát lớn trụ lại được ở Sài Gòn, hầu hết những gánh hát nhỏ phải dạt về các vùng quê kiếm sống. Song ngay cả những gánh trụ lại ở Sài Gòn hoa lệ thì khán giả cũng thưa vắng cho dù họ thay vở liên tục. Cải lương thực sự sống lại sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nghệ thuật chèo cũng nhiều phen lao đao từ khi ông Nguyễn Đình Nghị mang chèo từ quê ra phố. Ban đầu là các vở chèo cổ, sau đó Nguyễn Đình Nghị cũng phải chuyển sang chèo văn minh vào cuối thập niên 3 rồi chèo cải lương trong thập niên 4 của TK trước... Tuồng cũng trong tình trạng như vậy nhưng còn tệ hơn cả chèo và cải lương.

Khán giả thời nay thờ ơ với kịch hát dân tộc do cả hai nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan, các loại hình nghệ thuật khác ngày càng đa dạng, phong phú hơn, hấp dẫn hơn; các hoạt động văn hóa cũng nhiều hơn. Về chủ quan: kịch hát dân tộc khó có thể thay đổi vì làm mới thì "gieo vừng ra ngô". Vở Nàng Sita của Lưu Quang Vũ kéo khán giả trở lại với chèo một thời gian nhưng đó là chèo pha cải lương. Khác với kịch nói, kịch hát dân tộc còn có yếu tố âm nhạc. Với chèo và tuồng cổ, lời hát hay nói lối có rất nhiều từ Hán - Việt, đòi hỏi phải biết tích thì mới hiểu được cái hay, cái đẹp của vở diễn. Vậy tại sao người xưa mê kịch hát? Có nhiều cách lý giải, song đáng chú ý là tuồng và chèo cổ thường dựa theo tích truyện của Trung Hoa hoặc Việt Nam từng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nên người xem dễ dàng hiểu vở diễn nói gì. Năm nào cũng vẫn diễn vở ấy nên nhiều người thuộc lòng các câu hát, thậm chí còn hát để ru con, làm tăng tính phổ biến.

Với khán giả hôm nay, đặc biệt là khán giả trẻ, để hiểu được lời trong chèo hay tuồng cổ là rất khó. Hơn thế, tiết tấu chậm chạp, dề dà lại càng không thích hợp với họ khi nhịp sống rất nhanh và sôi động. Cách đây mấy năm, dự án dạy tuồng cho học sinh do Quỹ Ford tài trợ thực hiện ở Đông Anh (Hà Nội) đã mang lại kết quả tích cực. Tiếc rằng dự án phải kết thúc vì kinh phí không còn. Vì thế muốn có khán giả mới cho kịch hát dân tộc, phải đưa những kiến thức cơ bản vào chương trình chính thức ở các bậc học phổ thông. Còn nếu không thì kịch hát còn nhưng không có khán giả, và như thế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu không đào tạo... khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.