(HNM) - Từ xưa đến nay, nêu gương luôn được xem là phương pháp giáo dục đạo đức và quản lý xã hội hiệu quả.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Để cụ thể hóa nêu gương trong lãnh đạo từ cơ sở đến trung ương, những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định, quyết định về nội dung nêu gương, như: Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QÐ/TƯ ngày 7-6-2012 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Dẫn ra như vậy để thấy Đảng ta lựa chọn, coi trọng và đặt nêu gương của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, quản lý là giải pháp mấu chốt để thực hiện các chủ trương, đường lối. Xin dẫn ra một số ví dụ về điển hình trong xử lý các “điểm nóng” để chứng minh.
Trước khi xảy ra “điểm nóng” ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) tháng 4-2017 thì nơi đây đã là điển hình yếu kém về thực hiện các quy định quản lý đất đai, gây khiếu kiện kéo dài. Đã có 8 đảng viên bị kỷ luật; nguyên bí thư, nguyên chủ tịch, cán bộ địa chính xã bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chính những “tấm gương” xấu này đã làm cho tình hình an ninh trật tự ở Đồng Tâm thêm rối ren. Đỉnh điểm là việc một số người quá khích đã đập phá ô tô của lực lượng chức năng, bắt giữ trái pháp luật 38 người, phong tỏa đường vào thôn Hoành.
Sự việc chỉ được giải quyết khi Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân tại thôn Hoành vào ngày 22-4-2017. Đến nay, sự việc ở Đồng Tâm đã được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng của thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nỗ lực từng bước giải quyết đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, từ năm 1980, dù cùng bàn giao đất, thậm chí bàn giao diện tích gấp gần 3 lần diện tích đất nông nghiệp như Đồng Tâm cho Bộ Quốc phòng, nhưng 3 xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) không gây ra “điểm nóng”.
Nguyên nhân chính là do đội ngũ cán bộ các thế hệ ở 3 xã trên đã gương mẫu, công khai, minh bạch trong công tác quản lý đất đai; tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho các việc làm xấu nên tình hình chính trị, xã hội ở đây ổn định. Chính quyền và người dân đồng thuận, luôn tự hào về truyền thống quê hương, kiên quyết không mắc mưu kẻ xấu, cho dù đời sống còn gặp không ít khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” cho thấy, ở đâu có hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền luôn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách thì các “điểm nóng” đều đã và đang “hạ nhiệt”.
Tính đến tháng 4-2019, từ 200 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã giải quyết được khoảng 110 vụ việc. Ở những địa bàn có chuyển biến tích cực không thể phủ nhận vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở.
2. Xét cho cùng, để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến và được người dân thực hiện ở mức nào đều phụ thuộc vào sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cán bộ càng liêm khiết, bám sát và trọng dân; có phương pháp giải quyết sự việc quyết đoán, thấu tình, đạt lý, mang lại lợi ích cho dân thì việc ở cơ sở càng trôi chảy; hạn chế mâu thuẫn tích tụ, bộc phát thành “điểm nóng” khi có thời cơ. Hiệu quả của phương pháp nêu gương chỉ mang ý nghĩa lâu dài, ổn định và xứng đáng được coi là giải pháp căn cơ trong lãnh đạo, quản lý nếu thực hiện tốt các giải pháp cơ bản, đó là:
Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan cũng như từng cán bộ, đảng viên luôn quán triệt thấu đáo ý nghĩa của nêu gương, coi nêu gương là một biện pháp cơ bản trong lãnh đạo, quản lý, là trung tâm để thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Cần rèn luyện khả năng đi đầu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật công vụ.
Không chỉ gương mẫu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong gia đình, với họ hàng, người thân, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu về phương pháp, tác phong trong công tác và trong giải quyết các mối quan hệ xã hội. Luôn tự học nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng khả năng phân tích, nhận định và dự báo tình hình; đưa ra quyết định chính xác, đúng đắn, khách quan, không “dĩ công vi tư”, không bè phái cục bộ.
Đặc biệt, trước quần chúng, trước nhân dân, cán bộ, đảng viên cần thực hiện “nói đi đôi với làm”, không “hứa suông” hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”. Phải luôn luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…”.
Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, cổ vũ người tốt, việc tốt thường xuyên trên các phương tiện truyền thông để phát huy vai trò nêu gương của cá nhân, tập thể, cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, công khai. Trong đó, cần tập trung vào kiểm tra kế hoạch và tiến độ triển khai để đánh giá chính xác chất lượng cán bộ lãnh đạo và có cơ sở giáo dục, bồi dưỡng, tạo nguồn sử dụng cán bộ lâu dài.
Mở rộng dân chủ trong đánh giá cán bộ và sử dụng cán bộ công tâm, khách quan. Việc lựa chọn cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo cần có thời gian, không nóng vội và trên cơ sở đánh giá toàn diện phẩm chất, năng lực, trình độ, đức tài, trong đó lưu ý đến khả năng quyết đoán, đi đầu phong trào, trong thực hiện nhiệm vụ. Tuyệt đối không sử dụng những cán bộ có biểu hiện xu nịnh, cơ hội, chỉ chăm chăm hạ mình “lấy ghế” để rồi thừa cơ có những quyết định chạy theo chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm.
Để hạn chế những phức tạp và không để tích tụ mâu thuẫn kéo dài có nguy cơ trở thành “điểm nóng” thì mỗi cán bộ, đảng viên cơ sở phải luôn trăn trở với suy nghĩ, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Gần dân, trọng dân, đối thoại chân thành, cởi mở, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin chính là cách nêu gương tốt nhất để an dân và làm cho nhân dân giàu mạnh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.