(HNMO) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện vắc xin phòng Covid-19 "made in Vietnam" Nano Covax. Tối 22-6, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho rằng, nếu cấp phép cho vắc xin Nano Covax thời điểm này là nóng vội, chưa đủ cơ sở.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Thậm chí, so với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu, nhưng vẫn phải bảo đảm các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
"Hiện vắc xin Nano Covax mới triển khai tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 3, chưa tiêm mũi 2, do đó, không thể cấp phép được. Hơn nữa, sau khi tiêm thử nghiệm mũi 2 còn phải theo dõi sau 2 tháng mới đánh giá bước đầu hiệu lực bảo vệ. Sớm nhất đến cuối tháng 7-2021 mới có các dữ liệu ban đầu về kết quả tiêm thử nghiệm giai đoạn 3. Thậm chí, từ dữ liệu ban đầu còn phải xem xét có tiếp tục triển khai, có vấn đề gì cần bổ sung hay là xem xét rút ngắn thời gian, chứ không phải dữ liệu đó để phục vụ cho việc cấp phép", ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.
Để chủ động được nguồn vắc xin của Việt Nam, theo ông Nguyễn Ngô Quang, quan điểm của Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ cho sự nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Đây là chỉ đạo rất đúng của Chính phủ. Thế nhưng, trước khi một loại vắc xin đưa ra tiêm rộng rãi cho người dân, về nguyên tắc, Bộ Y tế phải có các dữ liệu về an toàn, hiệu quả và hiệu lực bảo vệ. Do đó, khi vắc xin vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chưa có đủ những dữ liệu như vậy, thì việc cấp phép là nóng vội, chưa đủ cơ sở.
Cùng ngày, theo tin từ Học viện Quân y, 1.000 tình nguyện viên đầu tiên đã hoàn tất tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3. Tình nguyện viên đầu tiên tham gia tiêm thử nghiệm đợt đầu của giai đoạn 3 được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước. Tại khu vực miền Bắc, Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tiêm cho khoảng 880 người; phía Nam do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với các địa phương, tiêm cho hơn 120 người.
Sau khi tiêm vắc xin Nano Covax mức liều 25mcg, các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định. Dự kiến, đến ngày 30-7, các tình nguyện viên hoàn thành việc lấy máu xét nghiệm để đánh giá khả năng sinh miễn dịch của vắc xin.
Sau khi tiêm thử nghiệm cho 1.000 người đợt đầu tiên, Học viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm cho 12.000 người còn lại.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.