Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân

Mai Hữu| 29/11/2022 06:46

(HNM) - Đóng góp trong thành công chung của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã truyền tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân đến nghị trường; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào quyết sách của Quốc hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay sau kỳ họp, các đại biểu Quốc hội thành phố đã bắt tay vào các nhiệm vụ của đại biểu dân cử, phấn đấu hoàn thành tốt chương trình hành động năm 2022.

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu theo tinh thần “từ sớm, từ xa”

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh, trước và trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, với ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tích cực lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật, Nghị quyết được trình Quốc hội tại kỳ họp. Đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, luật sư, đối tượng chịu tác động và người dân. Thông qua đó đã thu thập, nghiên cứu nhiều thông tin, tài liệu để chuẩn bị ý kiến đóng góp, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết.

Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu theo tinh thần “từ sớm, từ xa”, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã bước vào kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV với một lượng thông tin phong phú, mang đậm tính thực tiễn được ghi nhận từ chính quá trình vận hành, chuyển động, phát triển tại địa phương. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham gia đầy đủ các hoạt động, tích cực đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến với tinh thần trách nhiệm cao.

Tại kỳ họp, đã có hàng trăm lượt đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận tại tổ, tại hội trường về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết; đồng thời trực tiếp chất vấn, gửi phiếu chất vấn đến các Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tư, đa số cử tri và nhân dân Thủ đô đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được của kỳ họp. Trong đó, cử tri đánh giá cao các đại biểu Quốc hội thành phố đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia đóng góp nhiều nội dung quan trọng; truyền tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành; đồng thời các đại biểu đã tham gia biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần khách quan, nghiêm túc, trách nhiệm cao với cử tri, nhân dân và đất nước.

Theo cử tri Nguyễn Thanh Hùng (huyện Thạch Thất), những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã góp phần vào sự thành công chung của kỳ họp; các đại biểu Quốc hội đã thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thật sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri Thủ đô.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá, rất nhiều nội dung ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ. Nhiều ý kiến thiết thực đã được các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật, Nghị quyết đưa vào chỉnh lý, bổ sung nhằm hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp.

Có thể kể đến, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), nêu một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một dự án luật khó và hết sức quan trọng, tác động tới tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Cần cân nhắc xem xét dự thảo luật theo quy trình 3 kỳ họp để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính ổn định, dài hạn và tính khả thi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, như vậy vẫn bảo đảm tiến độ ban hành luật”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Ý kiến của đại biểu Trần Thị Nhị Hà và các đại biểu Quốc hội khác đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, đề xuất và được Quốc hội nhất trí rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV để tiếp tục xem xét tại kỳ họp thứ năm.

Bắt tay ngay vào các nhiệm vụ

Sau kỳ họp thứ tư, song song với tổ chức tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng thực hiện công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ hai và kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, từ cuối năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổ chức giám sát trên địa bàn thành phố 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023, gồm: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, hoạt động giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đã và đang được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức một cách chủ động, nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng xác định rõ trách nhiệm là Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ và chất lượng. Trong quá trình triển khai giám sát, đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tham gia trách nhiệm, đầy đủ và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Ngoài ra, sau hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022, nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không tiến hành giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả. Vì vậy, đại biểu cho rằng, với tất cả nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, đại biểu Quốc hội sẽ dành thời gian thích hợp xem xét lại các nội dung chất vấn để thấy được vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề nào chưa được xử lý, tìm ra nguyên nhân, từ đó đưa ra kiến nghị với các bộ, ngành. “Sau kỳ chất vấn phải có giám sát và sơ kết, đánh giá ngay tại kỳ họp tiếp theo”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân, thông báo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, bảo đảm thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Song song với các nhiệm vụ của đại biểu dân cử, nhằm chung tay cùng thành phố thực hiện các công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, qua đó khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong sự phát triển chung của Thủ đô.

Với tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích của nhân dân và đất nước, không ngừng nỗ lực, năng động, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả theo tinh thần chung của Quốc hội, có thể tin tưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, phấn đấu làm tròn trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy, gửi gắm của cử tri, đóng góp thiết thực, hiệu quả trên chặng đường phát triển của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.